Cần thiết hình thành thị trường nhà cho thuê
Thực tế cho thấy, nhu cầu thuê nhà của người dân là rất lớn, trong khi đó tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…, quỹ nhà cho thuê quá hạn hẹp, mô hình nhà ở cho thuê mới chỉ xuất hiện “nhỏ giọt”, vẫn còn khá xa lạ với người dân và chưa đủ hấp dẫn các chủ đầu tư.
Phát triển nhà ở cho thuê là vấn đề không mới, từng được đề cập đến rất nhiều lần tại các cuộc họp các cấp liên quan đến phát triển nhà ở xã hội. Cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm phát triển loại hình nhà ở này, nhưng đến bây giờ cũng mới chỉ có vài ba doanh nghiệp quan tâm đến nhà cho thuê trong dự án của mình, một con số khiêm tốn, như “muối bỏ bể” khi mà nhu cầu người cần thuê nhà rất lớn.
Vì sao phân khúc nhà ở cho thuê chưa được quan tâm, phát triển đúng mức? Một lý do muôn thủa được đưa ra chính là vẫn còn một số rào cản khi đầu tư vào căn hộ dạng này như số tiền vốn bỏ ra ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn lại chậm, khó quản lý người thuê…, nên hầu như có rất ít chủ đầu tư mặn mà.
Về vấn đề này, một số doanh nghiệp bất động sản cho biết, hầu hết các doanh nghiệp triển khai loại hình nhà ở cho thuê đa phần vì trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Bởi thực tế, đây là hình thức bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ.
Theo tính toán, doanh nghiệp dành 20% diện tích để cho thuê tức là 20% tổng mức đầu tư, trong khi lợi nhuận được khống chế không vượt quá 10%. Chưa kể, sau vận hành rất nhiều năm mới thu hồi được vốn và có một phần lãi. Sau thời hạn 5 năm, khi được bán căn hộ cho thuê thì mới có hiệu quả. Nếu chỉ làm nhà ở xã hội cho thuê chắc không doanh nghiệp nào làm…
Nhấn mạnh thực tế nguồn cung nhà ở cho thuê chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: Từ kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, nhà ở cho thuê là một bộ phận không thể thiếu trong phát triển kinh tế - xã hội, như tại Nhật Bản có “Chính sách thuê nhà ưu đãi” song song với việc mua nhà, chủ yếu giải quyết tình trạng khó khăn nhà ở cho công chức và các cặp vợ chồng mới cưới.
Theo chính sách này, người thuê nhà chỉ trả tiền thuê chiếm khoảng 1/8 lương tháng, còn lại do công ty và doanh nghiệp chi trả; Chính phủ Đức tiến hành cùng lúc hai chế độ hỗ trợ về xây dựng nhà ở và hỗ trợ nhà ở cho thuê, nhằm tăng thêm lượng cung nhà ở và tăng cả nhu cầu nhà ở của người dân, sau đó thông qua cơ chế thị trường phân bố nhà ở tới người dân.
Hay như tại Singapore, căn cứ vào hoàn cảnh của từng hộ gia đình, Chính phủ Singapore sẽ có những ưu đãi khác nhau, căn hộ càng nhỏ thì ưu đãi được hưởng càng nhiều. Thông thường người mua nhà chỉ phải thanh toán 20% giá trị của căn hộ, phần còn lại có thể dùng vốn tích lũy chung để thanh toán hết trong vòng 5, 10 hoặc 25 năm.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nhu cầu thuê nhà rất lớn nhưng thị trường hiện còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác hoặc có chăng chỉ là kinh doanh nhỏ lẻ, ngắn hạn của các cá nhân, hộ gia đình, một số doanh nghiệp. Nhất là bây giờ chưa có thêm gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi nào sau khi gói vay 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, đây cũng là vấn đề doanh nghiệp cân nhắc có đầu tư vào loại hình nhà ở này hay không...
Đồng tình với quan điểm trên, một số chuyên gia kinh tế nhận định, trong thị trường bất động sản, nhà ở cho thuê là phân khúc giá trị thấp nhưng đang đáp ứng nhu cầu cho số đông, những người có số tiền tích lũy chưa nhiều, họ chọn thuê nhà, sau đó sẽ mua nhà. Ở góc độ thị trường, khi nhà ở cho thuê giá rẻ phát triển sẽ cạnh tranh trực tiếp với các khu nhà trọ hiện nay và có thể là sản phẩm thay thế cho một số nhà thương mại giá rẻ…
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…, hàng năm đều đón hàng vạn người dân nhập cư đến học tập và làm việc, mà phần lớn trong số đó là người lao động có thu nhập trung bình hoặc thấp, chưa đủ điều kiện mua nhà và phải tìm thuê nhà trọ. Nhiều năm qua, rất nhiều người dân có nhu cầu đều phải thuê nhà tại các khu trọ tự phát khắp thành phố, vì Hà Nội chưa có quỹ nhà ở cho thuê theo các dự án lớn, tập trung.
Nếu tạo được nguồn cung dồi dào về nhà ở xã hội cho thuê thì sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu cơ bản về chỗ ở cho người dân. Hình thành thị trường cho thuê cũng là biện pháp cực kỳ quan trọng để bình ổn giá đất. Vấn đề còn lại là cần có chính sách phù hợp và tín dụng dài hạn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, để mọi người dân có chỗ ở chứ không phải sở hữu chỗ ở…