Cần thiết kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm
Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 44, sáng ngày 28/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN).
Kéo dài quy định miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN được thực hiện từ năm 2001 đến nay.
Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; Góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chính sách này cũng khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; Góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN với nội dung kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN trong thời hạn 5 năm (từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2025).
Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Chính sách có ý nghĩa quan trọng
Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế SDĐNN cho giai đoạn 2021-2025.
Chính sách này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.
Tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Việc thực hiện miễn thuế SDĐNN đang được thực hiện trên thực tế không gặp vướng mắc và có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và tại Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, giai đoạn vừa qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn chú trọng đầu tư vào nông nghiệp và phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài việc đầu tư quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động tại các vùng kinh tế có điều kiện khó khăn, các doanh nghiệp, tập đoàn đã góp phần áp dụng khoa học công nghệ và tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng.
Những thành quả bước đầu đã góp phần khẳng định các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp nước ta là đúng đắn. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho phép kéo dài nội dung quy định về miễn thuế SDĐNN đối với các đối tượng đã được quy định trong trong giai đoạn trước.
Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đã bao gồm đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật và nhất trí với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.
Tán thành với việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định đây là chính sách có ý nghĩa rất lớn đối ngành Nông nghiệp và hỗ trợ nông dân mỗi lúc gặp khó khăn như trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra khó lường ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra Dự thảo Nghị quyết cần rà soát kỹ lưỡng các chính sách, đối tượng, miễn giảm thuế để báo cáo, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tới.