Cần tiếp tục cải cách quy trình sau kê khai
(Tài chính) Tại hội thảo “Chỉ số nộp thuế và đề xuất cải cách cho Việt Nam”, bà Joanna Nasr - chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, năm 2016 sẽ thay đổi tiêu thức tính giờ nộp thuế và mở rộng thêm các tiêu chí đánh giá về nộp thuế như thanh tra, hoàn thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc
Phóng viên: Như bà đã biết thì năm 2016 WB sẽ mở rộng các tiêu chí đánh giá về nộp thuế. Điều này có ảnh hưởng gì đến những cải cách của chúng ta thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Trước hết tôi phải nói rằng năm 2014 triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ, Bộ Tài chính nói chung và Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan nói riêng đã rất quyết liệt tiến hành cải cách, vì vậy đã cắt giảm số giờ nộp thuế đáng kể. Tuy nhiên, như chuyên gia WB đã nói, báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016 sẽ áp dụng theo các tiêu thức mới. Với những tiêu thức này thì cách tiếp cận cũng sẽ khác. Theo đó, những quốc gia có thuế suất cao thì thứ hạng sẽ giảm. Đồng thời mở rộng chỉ số liên quan đến quy trình sau kê khai như thanh tra, khiếu nại và hoàn thuế.
Với nước ta, thuế suất không đáng quan tâm nhiều vì chúng ta đang có mức thuế suất trung bình. Nhưng tiêu thức đó sẽ ảnh hưởng đến giờ nộp thuế, đặc biệt sắp tới sẽ tính đến thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thanh tra, những yếu tố này chúng ta phải tính đến. Vì việc hoàn thuế của chúng ta về bản chất là lấy tiền từ ngân sách nhà nước (NSNN) trả cho doanh nghiệp (DN), do đó các thủ tục phải đảm bảo chặt chẽ, kỹ hơn để tránh thất thoát tiền hoàn thuế.
Đặc biệt chúng ta hiện nay đang nặng về hóa đơn chứng từ, dẫn đến những gian lận hóa đơn chứng từ rất nhiều. Nếu chúng ta không làm tốt khâu này sẽ dẫn đến hoàn thuế khống, làm thất thoát NSNN. Nhưng nếu chúng ta kiểm soát kỹ thì lại ảnh hưởng đến giờ nộp thuế.
Vậy chúng ta phải cải cách quy trình này thư thế nào để vừa đảm bảo kiểm soát tốt việc hoàn thuế, nhưng cũng không ảnh hưởng đến việc cải cách thuế theo tiêu chí mới của WB?
Vì có sự thay đổi, nên chúng ta cũng phải quan tâm đến những tiêu thức mới này. Theo quy định của Luật thuế sửa đổi, bổ sung mới có hiệu lực thi hành thì năm nay có thay đổi về thuế đối với hộ cá nhân kinh doanh, hoàn thuế. Chúng ta phải công khai và minh bạch những hộ nào dưới 100 triệu không phải nộp thuế. Những hộ nào có doanh thu trên 100 triệu phải nộp thuế thì cũng phải rõ ràng minh bạch. Chúng ta phải thông qua các hội đồng tư vấn thuế xã, phường hoặc các biện pháp khác để làm thế nào xác định được mức doanh thu chuẩn xác.
Về thanh tra thuế, chúng tôi cho rằng thanh tra có 2 yếu tố: Tìm ra những gian lận về thuế và hành vi vi phạm pháp luật về thuế, nhưng cũng qua thanh tra thấy được những đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. Với những trường hợp gian lận, trốn thuế, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, truy thu tiền thuế đối với hành vi gian lận và trốn thuế.
Nhưng bên cạnh đó các DN chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế thì chứng tỏ cơ quan thuế ở địa bàn đó cũng làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra. Vậy công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ có mục đích truy thu tiền thuế qua gian lận, mà qua đó còn tuyên dương tổ chức cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế tốt. Chứ không phải cứ thanh tra kiểm tra là phải giao tiền thuế nộp NSNN.
Tại rất nhiều hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã yêu cầu cán bộ thuế phải thực hiện nghiêm những quy định của luật, những gì luật không quy định thì cán bộ thuế không được đòi hỏi thêm. Tuy nhiên công tác thanh tra hiện nay vẫn còn chồng chéo, cùng một nội dung nhưng nhiều đơn vị thanh tra. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Điều này là đúng. Để công tác thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan khác nhau không chồng chéo, thì kế hoạch thanh tra kiểm tra giữa các cơ quan phải có sự liên kết. Bên cạnh thanh tra của hệ thống thuế từ Tổng cục đến chi cục thì còn có Thanh tra Tài chính, Thanh tra Chính phủ, chưa kể công an kinh tế… Khi thanh tra một đơn vị bào đó thì các cơ quan chức năng nên sử dụng kết quả của nhau. Như thế vừa giảm bớt phiền hà cho DN, vừa đỡ mất công sức, chi phí, thời gian cho cơ quan thanh tra.
Xin cảm ơn bà!