Cần tiếp tục tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia để điều tiết sản xuất, tiêu dùng
Theo nhiều chuyên gia, so với nhiều quốc gia trên thế giới, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có cồn của Việt Nam hiện hành vẫn còn khá thấp, chưa phát huy hết tác dụng điều tiết sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích của thuế TTĐB. Do vậy, trong thời gian tới, vẫn cần tiếp tục tăng thuế suất đối với rượu, bia theo các chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Xu hướng điều chỉnh tăng thuế suất trên thế giới
Thuế TTĐB là loại thuế gián thu, áp dụng đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhằm mục tiêu điều tiết thu nhập và sản xuất, tiêu dùng và được áp dụng ở hầu hết các quốc gia. Trong thời gian qua, nhiều quốc gia đã và đang cải cách thuế TTĐB theo xu hướng điều chỉnh tăng thuế suất đối với một số nhóm hàng hóa như các sản phẩm thuốc lá và các sản phẩm đồ uống có cồn.
Theo khảo sát của ThS. Tô Kim Huệ, ThS. Dương Hoàng Lan Chi - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn do ảnh hưởng của loại sản phẩm này đối với sức khỏe. Mức thuế TTĐB đối với bia, rượu rất khác nhau giữa các nước. Ngay tại châu Âu, thuế TTĐB trên mỗi chai bia được ghi nhận cao nhất tại Phần Lan là 0,63 euro, trong khi tại một số quốc gia như Đức, Tây Ban Nha, Luxembourg, Bulgaria mức thuế này chỉ ở mức quy định tối thiểu là 0,03 euro. Chênh lệch chi phí thuế TTĐB tới 20 lần đối với đồ uống có cồn tại các quốc gia phát triển thuộc khối châu Âu cho thấy tính linh hoạt trong việc vận dụng chính sách thuế để đạt được các mục tiêu khác nhau, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội đặc thù của từng quốc gia.
Về phương pháp tính thuế, đa số các nước phát triển hiện nay dùng thuế suất tuyệt đối trên khối lượng sản phẩm hoặc khối lượng cồn nguyên chất (hầu hết các nước OECD). Các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi thường áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp, bao gồm cả thuế suất tuyệt đối theo khối lượng và thuế suất tương đối theo giá trị. Philippines quy định thuế suất đối với rượu mạnh là 20% giá bán lẻ + 20,8 peso (9.200 đồng)/lít; đối với rượu lên men là từ 21-31,5 peso (9.300-13.900 đồng)/lít; đối với rượu vang là từ 33,75-787,4 peso (14.900-350.000 đồng)/lít. Một số quốc gia như Chile, Colombia, Mexico vẫn đang áp dụng thuế suất tương đối.
Hiện nay, đa phần các nước sử dụng mức thuế suất khác nhau cho các sản phẩm khác nhau để hạn chế lượng tiêu dùng một số sản phẩm nhất định (như tại Trung Quốc là hạn chế rượu rất nặng). Các quốc gia cũng tự động nâng thuế suất thuế TTĐB hàng năm theo tỷ lệ lạm phát (Australia, Canada, Hàn Quốc). Bên cạnh đó, nhiều quốc gia OECD áp dụng mức thuế lũy tiến cho các sản phẩm bia, rượu để ưu tiên các nhà sản xuất bia nhỏ (Nhật Bản, Canada, Hoa Kỳ).
Cần tiếp tục tăng thuế suất để điều tiết sản xuất, tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, mức tiêu thụ rượu, bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất ở người trưởng thành đã tăng từ 2,9 lít/người năm 2005 lên 7,9 lít/người năm 2019. Tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại cũng đang rất phổ biến, đặc biệt ở nam giới (28,3% năm 2021). Hiện nay, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của WHO thuế rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40-85% giá bán lẻ.
Các nghiên cứu đều chỉ ra các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người và xã hội khi bị lạm dụng. Theo các chuyên gia y tế, nhiều người cho rằng lạm dụng rượu bia sẽ gây tổn thương gan, dạ dày, suy giảm trí nhớ, thậm sẽ làm tăng nguy cơ gây nên một số loại ung thư.
Do vậy, tại Việt Nam, để hạn chế lạm dụng bia, rượu – loại hàng hóa nếu lạm dụng thì gây hại cho sức khỏe và ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông, Luật thuế TTĐB năm 2014 đã thông qua lộ trình tăng thuế đối với các mặt hàng này để góp phần hạn chế sản xuất và tiêu dùng như sau:
- Rượu từ 20 độ trở lên áp dụng thuế suất theo lộ trình tăng từ 50% lên 55% (từ ngày 01/01/2016 - 31/12/2016), lên 60% (từ ngày 01/01/2017-31/12/2017) và 65% (từ ngày 01/01/2018);
- Rượu dưới 20 độ tăng thuế suất thuế TTĐB từ 25% lên 30% từ ngày 01/01/2016 và lên 35% từ ngày 01/01/2018.
- Bia từ ngày 01/01/2016 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 01/01/2017 tăng lên 60%; từ ngày 01/01/2018 tăng lên 65%.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, so với nhiều quốc gia trên thế giới thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam hiện hành vẫn còn khá thấp, chưa phát huy hết tác dụng điều tiết sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích của thuế TTĐB, như các sản phẩm thuốc lá và đồ uống có cồn. Theo TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa, Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), mức thuế suất hiện hành của thuế TTĐB chưa đủ lớn để tác động đến hành vi sử dụng bia, rượu.
Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Chính phủ ban hành theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 đặt ra giải pháp đối với chính sách thuế TTĐB là xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB.
Thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần 2022 – 2025 (theo Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Tài chính đã đề xuất lộ trình tăng thuế TTĐB đối với cả bia, rượu từ 20 độ trở lên và rượu dưới 20 độ. Đối với bia và rượu từ 20 độ trở lên có 2 phương án được đề xuất. Phương án 1 bắt đầu tăng thuế suất từ 65% lên 70% vào năm 2026 và tăng dần đến 90% vào năm 2030. Phương án 2 bắt đầu tăng từ 65% lên 80% vào năm 2026 và tăng dần đến 100% năm 2030.
Theo TS. Lê Xuân Trường, để đạt các mục tiêu đề ra của Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần 2022 – 2025 thì nên lựa chọn phương án 2, qua đó, đẩy giá bán lẻ các sản phẩm này thêm 20%, tăng đủ lớn để điều tiết mức độ tiêu dùng bia và rượu nồng độ cao. Đối với rượu dưới 20 độ, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Phương án 1 bắt đầu tăng thuế suất từ 35% lên 40% vào năm 2026 và tăng dần lên 60% vào năm 2030. Phương án 2 bắt đầu tăng thuế suất từ 35% lên 50% vào năm 2026 và tăng dần lên 70% vào năm 2030. Phương án 2 nên được lựa chọn vì có thể giúp đạt mục tiêu tăng giá bán lẻ mặt hàng này lên 20%, có tác động đáng kể đến mức độ tiêu dùng mặt hàng này.