Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt:
Lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia là hoàn toàn phù hợp
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, TS. Nguyễn Thị Kim Chi - Phó Trưởng Bộ môn Thuế - Hải quan (Khoa Quản lý công - Bất động sản, Trường Đại học Tài chính - Marketing) cho biết, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi lần này, có đề xuất tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường và cồn là phù phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay.
Phóng viên: Tại Dự án Luật Thuế TTĐB, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường và cồn. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
TS. Nguyễn Thị Kim Chi: Lộ trình tăng thuế TTĐB đối với rượu và bia gần đây nhất là kể từ năm 2016-2018, được thông qua tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB năm 2014. Như vậy, với mức thuế suất thuế TTĐB đã giữ trong vòng 10 năm như vậy, việc Bộ Tài chính đề xuất lộ trình tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường và cồn là hoàn toàn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
Hiện nay, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuế đối với mặt hàng rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40-85% giá bán lẻ.
Do vậy, lộ trình tăng thuế TTĐB đối với rượu và bia từ năm 2016-2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu, bia. Trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia lên mức ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ.
Phóng viên: Bên cạnh những lý do như bà chia sẻ, còn cần thiết phải điều chỉnh tăng thuế rượu, bia vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người dân, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Kim Chi: Đúng vậy! Thuế TTĐB với mức thuế suất cao là cần thiết nhằm nâng cao nhận thức và hành động về tác hại của việc sử dụng nhiều sản phẩm này để giảm tiêu thụ và hạn chế lạm dụng rượu, bia.
Hơn nữa, trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2015, sản lượng sản xuất đạt 4 tỷ lít bia; đến năm 2025, sản lượng sản xuất đạt 6 tỷ lít bia, tăng 50% trong giai đoạn 10 năm tương ứng.
Trong khi đó, lộ trình tăng thuế TTĐB vừa qua đối với rượu và bia vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như các chủ trương, chiến lược đã đề ra. Do đó, cần phải nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với các mặt hàng này để giảm sử dụng, nâng cao sức khỏe cộng đồng, người dân.
Phóng viên: Ở góc độ doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp về dự thảo này, theo bà các doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng trong hoàn cảnh mới?
TS. Nguyễn Thị Kim Chi: Ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam có vai trò kinh tế và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng/năm, luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp nhiều cho ngân sách. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, Ngành này đã gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Ở góc độ doanh nghiệp trong ngành sản xuất bia, rượu, nước giải khát, việc tăng thuế TTĐB lần này có thể sẽ tạo ra một số khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên hiểu rằng, lộ trình tăng thuế TTĐB là xu hướng chung của nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn. Cùng với đó, doanh nghiệp cần có phương án như xây dựng lại giá bán, kế hoạch sản lượng tiêu thụ, dự báo doanh thu, đổi mới sản phẩm phù hợp sức khỏe (giảm nồng độ cồn, rượu thuốc, bia thảo mộc...) để vừa có thể đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa góp phần chung tay với Chính phủ hài hòa lợi ích của kinh tế - xã hội của Đất nước.
Phóng viên: Cá nhân bà có ý kiến đóng góp gì để hoàn thiện Dự thảo Luật TTĐB không, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Kim Chi: Theo tôi, việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với rượu, bia là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, cần có sự đánh giá cẩn trọng và có lộ trình phù hợp về thời điểm áp dụng trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động như trên trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Đồng thời, tham khảo thêm kinh nghiệm các quốc gia khác trong khu vực, để giảm thiểu ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp rượu bia và ngành đồ uống chịu thuế TTĐB.
Ngoài ra, cần có sự hướng dẫn, giải thích về việc tăng thuế TTĐB đến nhà sản xuất, người tiêu dùng, để hiểu rõ các chính sách điều tiết kinh tế của Nhà nước về những hàng hóa chịu thuế TTĐB để phát huy vai trò của sắc thuế này trong nguồn thu ngân sách nhà nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!