Cản trở đối với nỗ lực phục hồi kinh tế châu Âu

Hiếu Thiện (Báo Nhân dân)

Nỗ lực của các nước châu Âu nhằm đưa con tàu kinh tế sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng đang vấp phải lực cản do chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tình trạng khan hiếm nguyên liệu thô không chỉ khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, mà còn đẩy lạm phát tăng cao.

Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng gây ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh REUTERS.
Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng gây ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh REUTERS.

Đại dịch COVID-19 đang tạo ra sức ép lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, các nước châu Âu cũng đối mặt cú sốc thiếu nguồn cung nguyên liệu. Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, đà phục hồi của nền kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng. Theo Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, chỉ số dự báo trước chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng 10 đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng.

Reuters dẫn số liệu một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, hoạt động sản xuất tại Eurozone dù ghi nhận những tín hiệu tích cực trong tháng 10 nhưng vẫn bị hạn chế do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Theo đó, chỉ số giá đầu vào tổng hợp tăng lên mức 73,2, mức cao nhất kể từ khi khảo sát được tiến hành vào giữa năm 1998.

Tình trạng chuỗi cung ứng gián đoạn đã trì hoãn sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của các nước châu Âu, trong đó có đầu tàu kinh tế Đức. Chính phủ nước này đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 3,5% xuống còn 2,6% trong năm nay. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nhận định, thiếu nguyên liệu là “cơn gió ngược” cản trở con tàu kinh tế nước này.

Việc khan hiếm linh kiện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế vốn tập trung vào sản xuất của Đức. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, trong tháng 9, sản lượng công nghiệp của nước này đã giảm 1,1% so với tháng 8. Các dây chuyền sản xuất trong lĩnh vực chế tạo ô tô, một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Đức, bị đình trệ do thiếu hụt chất bán dẫn. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, triển vọng sản xuất công nghiệp của Đức khá ảm đạm do tình trạng thiếu nguyên liệu có thể kéo dài đến cuối năm sau.

Trong khi đó, theo khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp Thụy Sĩ, cứ 5 doanh nghiệp nước này thì có 4 doanh nghiệp gặp vấn đề về tiếp cận nguồn nguyên liệu và linh kiện thiết yếu cho sản xuất. Ngoài việc phải hủy một số đơn hàng, một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ phải tăng giá hàng hóa.

Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin cũng cảnh báo về những tác động xấu đến thị trường lao động nước này mà việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo đó, Thụy Sĩ có thể đối mặt tình trạng thất nghiệp một phần vào năm tới, không phải vì thiếu việc làm, mà vì thiếu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng để sản xuất. Không chỉ ở Đức và Thụy Sĩ, các doanh nghiệp tại nhiều nước châu Âu khác như Anh, Tây Ban Nha, Italia… cũng bị ảnh hưởng. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde khẳng định, khan hiếm hàng hóa do đứt gãy chuỗi cung ứng là một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao. Theo số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ lạm phát của Eurozone trong tháng 10 là 4,1%, mức cao nhất trong 13 năm qua. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát tăng cao có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực trong tương lai.

Nền kinh tế Eurozone đã duy trì đà phục hồi khả quan bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, với tăng trưởng GDP quý III/2021 đạt 2,2%. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, kéo theo sản xuất đình trệ và lạm phát tăng cao, đã phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực vào quý cuối năm. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực đưa ra các biện pháp khắc phục, đồng thời tăng cường phối hợp với các nước trên thế giới để sớm tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.