Cẩn trọng với nhập siêu
(Taichinh) - Qua 3 năm liên tục xuất siêu, Việt Nam đã cải thiện được cán cân thanh toán và dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay, nhập siêu đang có xu hướng đậm dần, khoảng 3,8 tỷ USD, khoảng 4,7% so với kim ngạch xuất khẩu, so với chỉ tiêu QH giao năm 2015 là 5%… Thực tế đòi hỏi cần có chính sách cải thiện tình hình để đạt được đúng mục tiêu đề ra.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhập siêu nửa đầu năm nay có xu hướng tăng nhanh: nhập siêu quý I ước tính 1,8 tỷ USD (bằng 5,1% trên tổng kim ngạch xuất khẩu). Tháng 4 nhập siêu 600 triệu USD, tổng bốn tháng khoảng 3 tỷ USD (bằng 6%) so cùng kỳ năm trước xuất siêu 2 tỷ USD; tháng 5 nhập siêu 900 triệu USD và tổng cộng năm tháng tới 3 tỷ USD, bằng 6% tổng nhập khẩu, vượt so với mức 5% cho phép
Nhìn vào cơ cấu thương mại cho thấy, động lực tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu vẫn là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ước đạt 52,7 tỷ USD, tăng 29,8%, chiếm 67,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm 2,9%. Xuất khẩu dầu thô ước đạt gần 4,74 triệu tấn, tăng 3,6% về lượng nhưng giảm 45,7% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2014; than đá ước đạt 1,08 triệu tấn, giảm 76,3% về lượng và giảm 64,8% về kim ngạch; dệt may đạt 10,2 tỷ USD, tăng 9%... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là xăng dầu với 5,1 triệu tấn, tăng 12% về lượng và giảm 32% về kim ngạch; sắt thép các loại đạt 6,8 triệu tấn, tăng 36,1% về lượng và tăng 10% về kim ngạch...
Nhập siêu năm 2015 không gây bất ngờ, mà đã được chỉ ra ngay từ hội nghị tổng kết ngành công thương cuối năm 2014. Theo đó, ngành này đề ra chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 khoảng 165 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 171 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2014, tức năm 2015 sẽ nhập siêu khoảng 6 tỷ USD.
Như vậy, lý do gia tăng trở lại nhập siêu năm 2015 không chỉ chủ yếu do giá dầu thô giảm và xuất khẩu nhóm hàng nông sản giảm cả về lượng và giá, mà còn do tổng nhập khẩu tăng nhanh, gắn với nhu cầu đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, thiết bị cho sản xuất như dệt may, công nghiệp phụ trợ, cơ khí, điện tử… và sự mở cửa hơn nữa cho các sản phẩm, dịch vụ từ các nước vào Việt Nam.
Hơn nữa, 3 năm qua, xuất siêu chủ yếu do động lực tăng công suất của những dự án lớn từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nên những năm tới khi đã hết giai đoạn này thì khả năng nhập siêu có thể xảy ra; trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm và chưa có nhiều triển vọng bứt phá để có thể xuất siêu.
Về triển vọng, theo ngân hàng ANZ, thâm hụt thương mại của Việt Nam năm 2015 và 2016 là điều khó tránh khỏi (kéo theo thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam trong năm 2015 sẽ chiếm khoảng 0,5% GDP và lên tới 1% GDP vào năm 2016); nhưng không hoàn toàn đáng lo, do các đơn hàng xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam (nhất là ngành dệt may và da giầy) nhận được trong năm 2015 khá tích cực.
Tỷ trọng nhập khẩu của khu vực FDI vượt xa so với tỷ trọng nhập khẩu của khu vực trong nước và vốn FDI giải ngân tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, đạt 4,2 tỷ USD, khiến tỷ trọng hàng máy móc, thiết bị, nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu vẫn là chủ yếu trong tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.
Bản chất của thâm hụt thương mại của Việt Nam trong 2 năm tới khác với nhập siêu hàng tiêu dùng trước đây. Thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ dần thu hẹp lại khi hoạt động của khối doanh nghiệp FDI này đi vào ổn định.
Nếu như xuất siêu giúp cải thiện thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế và thúc đẩy sự tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, phát triển đội ngũ lao động và tích lũy kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh tiên tiến… thì nhập siêu không chỉ làm thâm hụt cán cân thanh toán, cạn kiệt nguồn thu ngoại tệ và quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà còn tô đậm nguy cơ tăng nhập khẩu công nghệ cũ và biến Việt Nam thành bãi rác thải công nghệ thế giới, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước, biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ ngày càng lớn và dễ dãi hàng hóa từ các nền kinh tế khác và nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Nhập siêu chỉ được cải thiện vững chắc khi đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, công nghệ và đa dạng hóa thị trường, trên cơ sở phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của đất nước, bứt khỏi tư duy an phận làm hàng gia công và bứt phá trong nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho đổi mới và thích ứng nhanh với cạnh tranh thị trường, chống tham nhũng, tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước, giáo dục đạo đức kinh doanh và văn hóa kinh doanh…
Đặc biệt, cần tái tổ chức và nâng cao vai trò của Nhà nước và các hợp tác xã trong chuỗi liên kết với các doanh nghiệp để đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản, đa dạng hóa kênh phân phối và đẩy mạnh các hoạt động chế biến, bảo quản, xây dựng và tiếp thị thương hiệu hàng Việt tại những thị trường tiềm năng.