Cần ưu tiên phát triển thị trường tín chỉ carbon

Bảo Ngọc

Thuế carbon hoặc các quy định hình thành hệ thống mua bán khí thải sẽ là chìa khóa để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Do vậy, Việt Nam cần ưu tiên sớm phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero cho Việt Nam thời gian tới.
Thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero cho Việt Nam thời gian tới.

Thị trường tín chỉ carbon dần được định hình rõ nét hơn

Theo ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Và phát triển thị trường tài chính xanh cũng như thị trường tín chỉ carbon sẽ là những ưu tiên cần thực hiện trong thời gian tới.

Luật Bảo vệ Môi trường 2020 lần đầu tiên đưa ra quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước (Điều 139), trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ thiết lập tổng hạn ngạch cho hệ thống trao đổi hạn ngạch (ETS) của Việt Nam, xác định phương pháp phân bổ hạn ngạch cũng như các cơ chế tín chỉ bù trừ carbon được áp dụng trong ETS.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, cũng như cụ thể hóa thị trường tín chỉ carbon. Theo đó, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được thành lập và tiến hành thử nghiệm từ năm 2025. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, theo đó có 1.912 cơ sở sẽ tham gia thị trường tín chỉ carbon trong nước.

Quá trình thực hiện giao dịch và bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam cũng tuân thủ các quy định tại Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Với các văn bản quy phạm đã được ban hành, đặc biệt Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, có thể thấy thị trường tín chỉ carbon trong nước đã dần được định hình rõ nét hơn.

“Thị trường này sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như EU”, ông Nguyễn Quang Huân nhận định.

Thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Huân cho biết, giá tín chỉ carbon của Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế hiện vẫn còn khoảng cách khá xa với giá tín chỉ giao dịch tại EU hay Mỹ. Thực tế hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định, nguy cơ và giải pháp liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tác động trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp.

Do đó, để thị trường tín chỉ carbon đi tới được thành công thì ngoài nỗ lực của Chính phủ, ông Huân cho rằng, cần sự đồng hành của toàn thể cộng đồng, doanh nghiệp và người dân tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp chính.

Thứ nhất, về xây dựng thể chế, Bộ Tài chính sớm trình, ban hành Đề án để tạo lập chính thức sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; quy định rõ về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới; đánh thuế carbon.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với các quy định, điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… sớm xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường tín chỉ carbon, bao gồm hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch đầu tư của mình, thậm chí trong tương lai có thể tính toán được nguồn thu từ việc bán các tín chỉ carbon.

Thứ hai, xây dựng cơ chế vận hành và cơ quan chịu trách nhiệm để quản lý thị trường giao dịch tín chỉ carbon, kể cả các sàn giao dịch để thống nhất quản lý về nhà nước. Ngoài ra, nếu áp dụng đánh thuế carbon để tăng nguồn thu ngân sách, bù đắp cho quỹ tài chính xanh, cần giao cụ thể cho cơ quan nào nghiên cứu và cơ quan nào thực hiện nội dung này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện cần có quy định cụ thể về công cụ định giá carbon (các yếu tố tác động tới môi trường, kinh tế, xã hội cũng cần được đánh giá, phân tích). Xây dựng hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV đo đạc, báo cáo, thẩm định cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…

Thứ ba, bổ sung nguồn lực từ cấp Trung ương tới các địa phương để phát triển các dự án xanh mang tính chất định hướng, dẫn dắt thị trường đầu tư. Tranh thủ nguồn lực quốc tế hỗ trợ qua quỹ tín dụng xanh và áp dụng công nghệ cũng như quy trình quản lý tiên tiến. Hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan có cơ hội được tiếp cận thông tin, kỹ thuật áp dụng để chủ động sẵn sàng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam từ đó gắn việc sản xuất với xác định lượng phát thải.

Đặc biệt, xây dựng và công bố lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn để có kế hoạch khả thi triển khai thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ như thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược... của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ, nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh, góp phần bổ sung thêm nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước nhằm triển khai các dự án xanh…