Cần xác định chính xác sức khỏe hệ thống ngân hàng thương mại

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo Thông tư 09/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, thời điểm phải hoàn thành việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ được lùi lại đến ngày 1/4/2015, thay vì thời hạn 1/6/2014 như quy định trước đó. Quy định mới đã giảm gánh nặng cơ cấu nợ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng sẽ làm chậm quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại.

Cần xác định chính xác sức khỏe hệ thống ngân hàng thương mại
Theo Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước, thời điểm phải hoàn thành việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ được lùi lại đến ngày 1/4/2015, thay vì thời hạn 1/6/2014 như quy định trước đó. Nguồn: internet

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02 quy định về phân loại tài sản có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, thời điểm phải hoàn thành việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ được lùi lại đến ngày 1/4/2015, thay vì thời hạn 1/6/2014 như quy định trước đó.

Ngoài ra, Thông tư 09 cũng có nhiều quy định chặt chẽ hơn về cơ cấu nợ và thời hạn trả nợ. Ví dụ, các tổ chức này được trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành để mua nợ xấu của mình. Các tổ chức phải ban hành quy định nội bộ về kiểm soát, giám sát việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; kiểm soát nội dung, lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ.

Các ngân hàng thương mại đều đánh giá cao việc sửa đổi Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước. Bởi, nhờ lùi lại thời hạn phải hoàn thành cơ cấu nợ xấu, báo cáo tài chính trong quý I/2014 của các ngân hàng đang niêm yết tốt hơn. Đặc biệt, các khoản nợ vi phạm pháp luật và các khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra thay vì được đưa vào nhóm 4 hoặc nhóm 5 như quy định của Thông tư 02, thì nay chỉ phải phân loại tối thiểu vào nhóm 3. Quy định này được cho rằng sẽ giúp giảm nợ xấu của ngân hàng thương mại. Bởi, theo quy định hiện hành, khoản nợ được thanh tra khuyến cáo sẽ đưa vào nhóm nợ xấu, dù không làm sai quy định cho vay mà chỉ do thiếu hồ sơ, mục đích cho vay chưa rõ ràng, quy trình thủ tục không chính xác.

Vậy, quy định của Ngân hàng Nhà nước đã giúp hệ thống ngân hàng có điều kiện tái tạo sức khỏe, có động lực nhiều hơn để tăng trưởng tín dụng và tự tin hơn trong quá trình tái cơ cấu hay chưa? Nhiều ý kiến cho rằng, việc lùi thời hạn hoàn thành cơ cấu nợ xấu chỉ làm đẹp báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại. Trong khi, bài toán nợ xấu vẫn còn lơ lửng trên đầu mỗi ngân hàng. Bởi dù món nợ của doanh nghiệp chưa được xếp vào nhóm nợ xấu, nhưng không có căn cứ nào để tin tưởng khoản nợ ngấp nghé mức nguy hiểm hay khoản vay không đúng thủ tục, quy trình, không rõ lý do lại bảo đảm không trở thành nợ xấu.

Mặt khác, theo Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), xét về dài hạn, những điều chỉnh của Thông tư 09 có thể làm chậm tiến trình tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, làm niềm tin của thị trường bị tổn thương. Trong khi, việc phục hồi sức khỏe của hệ thống ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ và tính hiệu quả của việc tái cơ cấu toàn hệ thống nói chung. Việc lùi thời hạn hoàn thành cơ cấu nợ sang năm 2015 có thể gây tổn thương đến niềm tin thị trường đối với chính sách điều hành, nhất là khi Thông tư 02 đã mang đến hy vọng về một cuộc cải cách trong việc phân loại nợ, kiểm soát rủi ro, giải quyết nợ xấu cũng như minh bạch hơn về hoạt động của các ngân hàng.

Thông tư 09 đã giúp các ngân hàng thương mại giảm gánh nặng với nợ xấu, vì nếu thực hiện theo Thông tư 02 thì con số này sẽ tăng cao. Nhưng khi bài toán nợ xấu còn đó và chưa có gì khẳng định số nợ được thoát khỏi danh mục có xứng đáng hay không, thì Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường thanh tra để xác định chính xác sức khỏe các ngân hàng thương mại, có giải pháp kịp thời.