Cần xử lý dứt điểm 35.000 tỷ đồng tiền thuế không thu hồi được

Theo PN/baochinhphu.vn

Tính đến thời điểm 30/9/2018, tổng số tiền thuế nợ của các doanh nghiệp (DN) trên cả nước là 82.961 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi là 34.942 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong Báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội, đã nêu một số nguyên nhân chính dẫn đến số thuế nợ đọng không có khả năng thu hồi.

Thứ nhất, một số người nộp thuế trong quá trình tham gia kinh doanh được pháp luật coi là đã bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, không thanh toán được nợ thuế, không xác minh được tài sản của người nộp thuế còn tài sản hay không, không xác minh được quyền thừa kế tài sản, phân chia tài sản của người chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo đúng quy định của pháp luật dân sự. 

Do đó cơ quan thuế không thực hiện được việc thu nợ cũng như xóa nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Tính đến 31/12/2017, có 1.818 người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với tổng số tiền thuế nợ là 247,5 tỷ đồng.

Thứ hai, một số người nộp thuế mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động kinh doanh, tự giải thể, phá sản, bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, không làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Phá sản, cơ quan thuế đã cưỡng chế đến biện pháp cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng vẫn không thu hồi được nợ thuế.

Tính đến 31/12/2017 có 15.072 người nộp thuế với số tiền thuế còn nợ là 2.178 tỷ đồng đã tự giải thể, phá sản không thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật. Có 620.069 người nộp thuế (153.438 doanh nghiệp, 466.631 hộ gia đình, cá nhân) với số tiền thuế còn nợ là 21.824 tỷ đồng (doanh nghiệp 19.644 tỷ; hộ gia đình, cá nhân 2.180 tỷ) bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế. Số nợ này hàng ngày bị tính thêm tiền chậm nộp 0,03%/ngày.

Đáng chú ý, với quy định tính tiền chậm nộp thuế 0,03%/ngày, tiền phạt và tiền chậm nộp của nhóm đối tượng không có khả năng thu đến 31/12/2017 tăng lên đến 12.273 tỷ đồng. Số nợ đó theo dõi trên sổ sách của cơ quan thuế, nhưng là nợ ảo, tạo áp lực về chi phí, nhân lực cho cơ quan thuế trong việc theo dõi quản lý nợ thuế.

Nguyên nhân tiếp theo là Luật Quản lý thuế chưa bao quát hết được các trường hợp không tính tiền chậm nộp, xóa nợ trong thực tiễn đã xảy ra. Cụ thể, tính đến 31/12/2017 có 7.500 tỷ đồng tiền thuế nợ tồn tại trên 10 năm hiện nay vẫn đang treo, không thể xóa được.

Theo ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, số nợ thuế không có khả năng thu hồi và tiền phạt chậm nộp là áp lực lớn với ngành thuế.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng các Cục thuế giao trách nhiệm đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế từng đồng chí lãnh đạo cục thuế, trưởng phòng, chi cục trưởng và từng cán bộ, công chức quản lý nợ thuế.

Đến thời điểm 30/9/2018, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được 25.382 tỷ đồng tiền thuế nợ. Trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.079 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 8.303 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm nay, ngành thuế đã thực hiện 63.665 cuộc thanh, kiểm tra với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 11.273 tỷ đồng.

Đến hết tháng 9/2018, tổng thu NSNN ước đạt 962.500 tỷ đồng, bằng 73% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ, trong đó, tổng thu do cơ quan thuế quản lý ước đạt 785.051 tỷ đồng, bằng 73,4% so với dự toán, bằng 113,6% so với cùng kỳ. Thu NSNN do cơ quan thuế quản lý 9 tháng qua đạt khá so với kết quả thực hiện của nhiều năm gần đây cả về tiến độ và tốc độ (cùng kỳ 9 tháng năm 2017 thu đạt 67,9% số thực hiện cả năm; tương tự, năm 2016 đạt 68,4%; năm 2015 đạt 69,4%).