Cần lập một “ma trận" phân loại nợ thuế
Hiện nay, nợ thuế đang là vấn đề "nhức nhối" của ngành Thuế khi mà số nợ vẫn còn khá cao, nhất là nhóm nợ khó đòi. Kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng nợ chồng nợ, làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách của cơ quan Thuế. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính xung quanh vấn đề này.
Thời gian qua, công tác quản lý nợ thuế luôn được ngành Thuế coi là công việc trọng tâm với nhiều biện pháp cụ thể, liên tục. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm số nợ thuế xuống tỷ trọng dưới 5% cơ cấu ngân sách nhà nước vẫn là bài toán khó. Theo ông nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đâu?
Kinh tế khó khăn, đi kèm với đó là lãi suất vay vốn cao dẫn đến hệ lụy là khá nhiều DN phải đối mặt với sự eo hẹp về tài chính và theo đó cũng dây dưa, chây ỳ nghĩa vụ nộp thuế. Một số DN nợ nhiều do xây dựng những công trình nhà nước, đòi hỏi phải có khối lượng vốn lớn trong khi tình trạng giải ngân cho DN chậm, dẫn đến chậm trễ nộp thuế.
Ngoài ra, một bộ phận DN, tổ chức kinh tế và cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật kém, sẵn sàng vi phạm pháp luật miễn là đạt được lợi ích cục bộ.
Cũng có một bộ phận không nhỏ DNNN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Sự kém hiệu quả của DNNN chính là một trong những nguyên nhân khách quan khiến số nợ thuế của khu vực này quá cao và chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng số nợ thuế thời gian qua.
Có ý kiến cho rằng, hiện nay, bên cạnh các DN nợ thuế do khó khăn thực sự, vẫn còn nhiều DN đang cố tình chây ì không chịu nộp thuế do nhiều nguyên nhân như: Phạt chậm nộp của cơ quan Thuế thấp hơn lãi suất ngân hàng; ngành Thuế chưa có chế tài đủ mạnh để "ép" DN nộp thuế... Điều này có đúng không thưa ông?
Nhận định trên đúng một phần. Quả thật, so với lãi suất ngân hàng cho vay bình quân hiện nay (lãi suất thực tế, bao gồm cả các chi phí có liên quan để vay được vốn ngân hàng) thì tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế hiện hơi thấp. Vì lẽ đó, một số DN khó khăn về vốn kinh doanh đã chấp nhận nộp chậm tiền thuế để được sử dụng vốn với chi phí thấp hơn vay vốn ngân hàng và thấp hơn nhiều nếu vay vốn của cá nhân hoặc các tổ chức khác.
Còn nói chế tài chưa đủ mạnh thì không hoàn toàn đúng. Luật Quản lý thuế đã quy định các biện pháp cưỡng chế nợ thuế và nếu thực hiện tốt các biện pháp này thì thực sự đủ mạnh rồi. Không lẽ kê biên và bán đấu giá tài sản, công bố hóa đơn không còn giá trị sử dụng và thu hồi mã số thuế, thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn chưa đủ mạnh sao? Vấn đề ở đây là sự kiên quyết trong tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế và công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan để cưỡng chế nợ thuế ở một số địa phương chưa tốt.
Thêm vào đó, cũng cần lưu ý rằng, bên cạnh những người nộp thuế khó khăn về vốn nên chiếm dụng tiền thuế thì một bộ phận rất lớn số nợ thuế là của những DN bỏ trốn, DN “ma” – đây là những DN cố tình thành lập ra để gian lận thuế, mua bán hóa đơn, có ghi nhận doanh thu nhưng cố tình nợ thuế để sau đó bỏ trốn để trốn thuế. Số nợ thuế này gần như không có khả năng thu hồi.
Vậy, để công tác quản lý nợ thuế được hiệu quả, ngành Thuế cần phải thay đổi những gì thưa ông?
Để công tác quản lý nợ thuế được hiệu quả, cơ quan Thuế có nhiều việc phải làm. Trong đó, trọng tâm là các công việc sau:
Ngành Thuế phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý thuế sao cho sát với thực tiễn quản lý. Theo đó, cần tăng tỷ lệ tính tiền chậm nộp và điều chỉnh điều kiện và trình tự thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế.
Cần lập một "ma trận" phân loại nợ thuế với các tiêu chí khác nhau, không chỉ phân loại nợ thuế thành nợ có khả năng thu, nợ khó thu, nợ chờ xử lý như quy trình hiện hành. Nợ thuế cần được phân loại cụ thể theo các tiêu chí khác như: Theo khả năng thu nợ, theo đặc điểm sở hữu của đối tượng nợ, theo loại hình DN, theo sắc thuế, theo tuổi nợ, theo nguyên nhân nợ… Việc đa dạng hóa các tiêu chí phân loại nợ trong quy trình giúp cán bộ quản lý nợ thuế và lãnh đạo cơ quan thuế có cái nhìn đa chiều về nguyên nhân nợ, đặc điểm nợ, đặc điểm của đối tượng nợ thuế… Từ đó, có biện pháp đôn đốc, xử lý nợ thuế phù hợp nhất hoặc có kiến nghị với cơ quan thuế cấp trên trong xử lý các khoản nợ thuế.
Hiện nay, chưa có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả cưỡng chế nợ thuế. Bởi vậy, chưa có cơ sở vững chắc để đánh giá số lượng và chất lượng công tác từng cán bộ cưỡng chế nợ thuế, bộ phận quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cũng như tình hình thực hiện công tác cưỡng chế nợ thuế của từng cơ quan thuế. Các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế còn là cơ sở để nghiên cứu đề xuất các biện pháp cải tiến hoạt động cưỡng chế nợ thuế của từng cơ quan thuế.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan trong tổ chức thực hiện cưỡng chế bởi cưỡng chế nợ thuế là việc một mình ngành Thuế không thể làm được. Có như vậy, việc cưỡng chế nợ thuế mới thực sự hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!