Canada: Nông dân là 'lực lượng tuyến đầu' chống biến đổi khí hậu

Theo Nguyễn Linh (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Ngân sách liên bang Canada dành 270 triệu CAD trong 2 năm để hỗ trợ nông dân giảm khí thải, bảo vệ các vùng đầm lầy và chuyển đổi các hoạt động của nhà nông sang sử dụng năng lượng sạch.

Nông dân Canada căng thẳng đối mặt với tình trạng hạn hán. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Nông dân Canada căng thẳng đối mặt với tình trạng hạn hán. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa tại Canada trong tương lai sẽ có nhiều thay đổi đáng kể. Ngành nông nghiệp, đa dạng sinh học, nguồn nước sạch được xem là dễ tổn thương nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Khu vực Bắc Cực sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất với nhiệt độ tăng thêm 4 độ C vào năm 2020 và 8 độ C vào năm 2050 cùng với lượng mưa tăng thêm tới 20% vào năm 2020 và 40% vào năm 2050.

Tác động của biến đổi khí hậu có sự khác nhau đối với từng vùng trên đất nước Canada. Ví dụ, lượng mưa vào mùa hè tại Vancouver sẽ tăng lên trong khi lượng mưa vào mùa đông tại Winnipeg sẽ giảm đi. Mùa đông tại Toronto và Montreal sẽ ấm áp hơn.

Các khu đô thị của Canada chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Báo cáo đưa ra khuyến nghị cần đưa các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chính sách quy hoạch của các khu đô thị.

Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tình trạng bốc hơi nước và làm giảm lượng tuyết tan chảy, do đó làm nguồn nước ngọt trở nên càng khan hiếm hơn. Mùa hè khô hạn hơn ở khu vực Ontario sẽ làm mực nước của khu hồ Great Lakes giảm.

Báo cáo đưa ra khuyến nghị cần bảo tồn và khôi phục các khu vực đầm lầy và các hệ thống thoát nước tự nhiên, thay đổi cơ sở hạ tầng để bảo tồn chất lượng và lượng nước.

Giới quan sát nhận định rằng vai trò của ngành nông nghiệp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã không được chú ý nhiều tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Trong khi đó, ngày càng có nhiều nông dân Canada mong muốn hợp tác với Chính phủ liên bang và chính quyền cấp tỉnh để cắt giảm khí thải và tìm cách loại bỏ carbon ra khỏi môi trường.

Tại Ottawa, lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp của Canada đang sử dụng hơn 2 triệu lao động và tạo ra doanh thu gần 140 tỉ CAD (111,59 tỉ USD) mỗi năm. Con số này tương đương hơn 7% quy mô của nền kinh tế Canada.

Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng là nguồn phát thải carbon dioxide lớn - tạo ra gần 73 triệu tấn khí thải vào năm 2019. Chính vì thế, giới chức trong ngành nông nghiệp của Canada coi việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những mục tiêu của kế hoạch 5 năm mới của ngành.

Các yếu tố kinh tế cũng không thuận lợi cho người nông dân như chi phí sản xuất đang tăng lên - trong một số trường hợp cao hơn và nhanh hơn giá các sản phẩm mà người nông dân đưa ra thị trường. 

Nhiều nông dân đang làm những gì có thể để giảm lượng khí thải từ các hoạt động của mình, như để lại các cánh đồng lưu trữ carbon, bảo vệ cây cối, vùng đầm lầy,...

Ngân sách liên bang Canada dành 270 triệu CAD trong 2 năm để hỗ trợ nông dân giảm khí thải, bảo vệ các vùng đầm lầy và chuyển đổi các hoạt động của nhà nông sang sử dụng năng lượng sạch. 

Canada hiện vẫn thua xa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong việc giúp nông dân áp dụng các phương pháp bền vững hơn. Một nghiên cứu cho thấy nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã chi tiêu nhiều hơn 13 lần so với Canada trên mỗi mẫu đất canh tác, trong khi mức đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) nhiều hơn Canada 73 lần.

Brent Preston, Giám đốc Tổ chức Farmers for Climate Solutions, dự báo các nhà sản xuất Canada có thể sớm phải đối mặt với áp lực thị trường trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon của mình.  

Và ngày càng nhiều những người mua quốc tế, các công ty thực phẩm và các nhà môi giới yêu cầu các sản phẩm phải có mức khí thải nhà kính thấp hơn từ chuỗi cung ứng của họ.

Mary Robinson, Chủ tịch Liên đoàn Nông nghiệp Canada, cho rằng việc giảm lượng khí thải không thể do chính những người nông dân chi trả phí tổn. Hiện nay, người làm nông nghiệp đang trên tuyến đầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi phải đối mặt với hạn hán kéo dài ở một số khu vực của đất nước và lũ lụt ở những vùng khác.