Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo Lan Anh (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Đặc biệt đối với các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam.

Lồng ghép các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Ảnh: SGGP
Lồng ghép các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Ảnh: SGGP

Là một trong số quốc gia chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, hiện tổng lượng bụi ở 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng cao khiến chất lượng không khí tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong sáng 9/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ hai của đợt họp tập trung, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) kiến nghị về việc phải lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng, thẩm định về phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Thực tế, việc triển khai những quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ, hiệu quả, còn xảy ra những hậu quả nghiêm trọng. Khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là những nơi phải chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.

Trong đó, ĐBSCL hiện đã chịu ảnh hưởng thường xuyên của những trận lũ lớn, sự xâm nhập mặn và đất bị ô nhiễm. Đây là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Việt Nam bởi sự xâm nhập mặn với 1,8 triệu ha diện tích đất bị nhiễm mặn.

“Chính phủ cần tập trung nguồn lực để thực hiện một số chương trình dự án trọng điểm, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường hệ thống hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; Chỉ đạo quy hoạch phát triển các ngành sản xuất chủ động giảm thiểu thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam…”, ông Tuấn Anh nhận định.

Trước đó, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” đã được Chính phủ phê duyệt, đặt ra 4 mục tiêu quan trọng gồm: Giảm phát thải khí nhà kính; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, “Tăng trưởng xanh thực sự đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Lựa chọn tăng trưởng xanh cũng được coi là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng bao trùm cho các quốc gia, đảm bảo các lợi ích kinh tế và sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên”.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế liên quan. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP26 cũng là dịp để cộng đồng quốc tế hiểu rõ chủ trương và nỗ lực, cũng như khó khăn, thách thức của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân.

Thủ tướng nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.

Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Thủ tướng cũng cho rằng, mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỉ qua, là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhận định, trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt, phát triển kinh tế không thể đơn thuần mà phải gắn với bảo vệ môi trường, để cho cuộc sống của mỗi người dân được tốt lên. Phải phấn đấu làm sao để "kinh tế xanh" thay cho "kinh tế nâu" đây cũng chính là thông điệp mà Chính phủ đang hướng tới.

Hiện nay, vấn đề giữ gìn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức trước quá tình phát triển kinh tế quá “nóng”. Tăng trưởng kinh tế với việc xây dựng nhiều công trình xây dựng như thủy điện, điện gió, điện năng lượng đã để lại những hệ lụy cho môi trường. Do đó đã đến lúc không thể hi sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế, cũng không thể để thiên nhiên “oằn mình” chịu đựng những hoạt động phát triển thiếu bền vững.