Cảnh báo nguy cơ cháy nổ tại các khu công nghiệp
Hiện nay, để giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy tại các khu công nghiệp (KCN), các ban, ngành, đoàn thể, nhất là lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) công an các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp hiệu quả.
Cụ thể, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về phòng chống cháy nổ cho công nhân, người lao động; thành lập các đội PCCC tại các công ty; thường xuyên tập huấn các kỹ năng PCCC và CNCH,... Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra cháy tại các KCN vẫn rất lớn nếu các chủ doanh nghiệp, công nhân,... không tự nâng cao ý thức cũng như kiến thức về PCCC.
Hiện nay, các vụ cháy nhà xưởng, văn phòng các công ty tại các KCN vẫn xảy ra và có nguy cơ gia tăng về số vụ lẫn mức độ thiệt hại. Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm tại các công ty, đơn vị chuyên sản xuất các loại hàng hóa, như hóa chất, đệm mút, quần áo, gỗ, giấy,... Vì thời điểm xảy ra lúc các công nhân đã nghỉ làm việc, cho nên khi đám cháy được phát hiện, ngọn lửa đã lan rất nhanh và gây thiệt hại lớn về tài sản cho công ty, đơn vị.
Vừa qua, tại khu lán trại công nhân cạnh công trường trong KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra cháy. Ngay sau khi nhận được thông tin vụ cháy, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bắc Giang đã điều động bốn xe chữa cháy cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chữa cháy.
Vụ cháy được dập tắt ngay sau đó và không lan ra các nhà máy chung quanh, nhưng đã gây thiệt hại nhiều tài sản và khiến một công nhân tử vong... Ðây là khu lán tạm của công nhân dùng để nghỉ trưa, ăn trưa khi xây dựng nhà máy mới.
Gần đây nhất, tại một nhà xưởng thuộc Công ty cổ phần Green Service, Khu C, KCN Nam Cấm (xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) xảy ra cháy. Sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các Ðội PCCC và CNCH số 1, số 2, số 8 huy động năm xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường chữa cháy.
Hiện trường vụ cháy là nhà xưởng đang thi công, làm bằng khung thép, mái tôn. Tại đây chứa nhiều vật liệu dễ cháy như giấy, túi ni-lông cho nên ngọn lửa nhanh chóng lan nhanh ra cả khu vực nhà xưởng. Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của các cán bộ PCCC và CNCH, đám cháy đã được khống chế, đồng thời nguy cơ cháy lan sang các khu vực lân cận được ngăn chặn. Vụ cháy không gây thiệt hại về người và nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Qua tìm hiểu, những nguyên nhân chính gây ra cháy, nổ tại các KCN thường do nhiều cơ sở, nhà xưởng trong KCN đã xây dựng từ lâu điều kiện an toàn PCCC không được bảo đảm. Các công trình, hệ thống điện, dây chuyền sản xuất đã xuống cấp và không được bảo dưỡng hoặc thay mới. Trang thiết bị PCCC chưa được kiện toàn đồng bộ so với quy mô đơn vị tại các KCN. Công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng, giao thông... phục vụ cho việc chủ động ngăn ngừa phòng chống cháy nổ chưa phù hợp với thực tiễn đặt ra.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: lãnh đạo, công nhân tại các cơ sở sản xuất trong KCN chưa quan tâm công tác PCCC; vi phạm các quy định về an toàn PCCC. Kinh phí mua sắm trang thiết bị PCCC chưa được lãnh đạo các công ty quan tâm, đầu tư đúng mức; một số công ty tự ý mở rộng, thay đổi công năng sử dụng nhà xưởng, văn phòng, thậm chí sử dụng đường cho xe chữa cháy làm nơi tập kết hàng hóa; công tác thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC chưa hiệu quả; lực lượng thanh kiểm tra về PCCC còn mỏng, trong khi số lượng doanh nghiệp tại các KCN càng lớn...
Thượng tá Trần Văn Hướng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố Ðà Nẵng cho biết, để bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các KCN, trước hết cần nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý các KCN, trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC và CNCH; yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp thường xuyên tự kiểm tra các hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, nhất là các kho hàng để loại trừ nguy cơ xảy ra cháy, nổ; kiện toàn tổ chức lực lượng PCCC và CNCH tại chỗ để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc xử lý các tình huống cháy, nổ ban đầu; tích cực rà soát, phân loại hàng hóa, vật tư nguyên liệu dễ cháy nổ, từ đó sắp xếp khoa học, bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC; khi thiết kế, xây dựng mới hoặc thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC các dự án, công trình tại các KCN cần tuân thủ đầy đủ các quy định về PCCC; tăng cường hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc cùng với người sử dụng lao động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện an toàn phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc; trong đó, khi đưa ra các giải pháp về PCCC tại các doanh nghiệp trong KCN cần xem xét tổng thể các yếu tố bao gồm: đặc thù, điều kiện phát triển, quy mô, tính chất hoạt động, thực trạng của cơ sở, hạ tầng kỹ thuật về PCCC,... để từ đó lựa chọn các giải pháp PCCC vừa phù hợp, vừa bảo đảm được mục tiêu đề ra; duy trì và nhân rộng những điển hình tiên tiến, nhất là các mô hình tổ, đội công nhân tham gia PCCC và CNCH trong KCN...