Cảnh báo tài trợ cho khủng bố núp bóng hoạt động từ thiện, viện trợ
(Tài chính) Cộng đồng quốc tế đang tham gia vào một chiến dịch chống khủng bố lâu dài. Một trong những mặt trận quan trọng của cuộc chiến này là nỗ lực phá vỡ những mạng lưới tài chính ủng hộ các tổ chức khủng bố.
Núp bóng từ thiện, hàng viện trợ… để tài trợ cho khủng bố
Tài trợ khủng bố là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố. Chính phủ các nước đang hướng đến các tổ chức phi lợi nhuận (đó là những tổ chức cho các mục đích từ thiện, tôn giáo, giáo dục, xã hội hoặc ái hữu) để xác định việc những tổ chức này có thể bị lợi dụng cho các mục đích tài trợ cho khủng bố hay không?
Việc các quốc gia hướng đến các tổ chức phi lợi nhuận trong cuộc chiến chống tài trợ cho khủng bố là có cơ sở bởi trong những năm qua, đã có rất nhiều các tổ chức từ thiện hay các hoạt động buôn bán hàng hóa quốc tế, hàng viện trợ nhân đạo bị phát hiện là có liên quan đến việc tài trợ cho các tổ chức khủng bố.
Năm 2008, từ những thông tin do Ấn Độ và Mỹ cung cấp, cộng thêm kết quả điều tra riêng, Ủy ban điều tra của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã khẳng định rằng, quỹ từ thiện Jamaat-ud-Dawa (Pakistan) chính là nơi núp bóng của nhóm vũ trang Lashkar-e-Taiba (LeT). Nhóm khủng bố bị cáo buộc là chủ mưu của vụ tấn công Mumbai (Ấn Độ) làm 171 người thiệt mạng. Từ đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra lệnh cấm vận, phong tỏa các tài sản, tài khoản ngân hàng của quỹ từ thiện Jamaat-ud-Dawa.
Trước đó, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, phương thức chuyển tiền thông qua hoạt động buôn bán hàng hóa quốc tế, núp bóng hàng viện trợ nhân đạo, của các phần tử khủng bố cũng đã được áp dụng ở châu Âu và Trung Đông. Thay vì gửi tiền trực tiếp từ nước này sang nước khác, những kẻ khủng bố sẽ mua hàng hóa như đường, bột ngọt, dầu ăn hay các sản phẩm thiết yếu khác. Những lô hàng này có thể dễ dàng chuyển sang các khu vực đang cần viện trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế như vùng lãnh thổ Palestine. Nhân viên hải quan sẽ dễ dàng “cho qua” các lô hàng đó vì tưởng lầm là hàng viện trợ hợp pháp. Khi hàng đến điểm tập kết, các thương gia địa phương sẽ bán hàng lấy tiền. Phần lớn số tiền này sẽ rơi vào tay các nhóm hay những phần tử khủng bố địa phương.
Thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy quy mô và phạm vi của các hoạt động buôn bán này ngày càng gia tăng. Tuy số tiền qua mỗi lần chuyển không nhiều vì các mặt hàng viện trợ này không có giá trị cao nhưng nếu được chuyển nhiều lần và liên tục, số tiền mà các phần tử khủng bố thu được từ việc bán hàng hóa cũng đủ để mua không ít vũ khí, chất nổ.
Năm 2007, nhà chức trách Pháp đã phát hiện một Quỹ từ thiện có trụ sở tại thủ đô Paris, với tên gọi “Ủy ban vì phúc lợi và trợ giúp cho người Palestine” đã mua một số lượng lớn hàng hóa để gửi tới vùng lãnh thổ Palestine. Qua điều tra, cảnh sát Pháp khám phá ra rằng, trong khi một lượng lớn các lô hàng là hàng viện trợ hợp pháp thì số còn lại do các phần tử khủng bố “cài” vào. Tuy nhiên, số hàng bất hợp pháp bị phát hiện mới chỉ là một trong số vô vàn những lô hàng được vận chuyển đến các khu vực che giấu lực lượng khủng bố.
Tại Palestine, phong trào Hồi giáo Hamas cũng bị Mỹ, Israel và Liên minh châu Âu coi là một tổ chức khủng bố. Thực tế, Hamas được biết nhiều với vai trò là một phong trào quân sự nhưng các hoạt động của họ trong lĩnh vực xã hội cũng khá rộng rãi. Hoạt động gây quỹ của nhóm Hamas được cho là đã sử dụng quỹ vào cả hai mục đích từ thiện và quân sự. Bởi thế nhiều nước đã quyết định phong tỏa tài khoản của Hamas.
Tại Anh, trong tháng 4/2014, Chủ tịch Ủy ban Từ thiện, cơ quan giám sát các hoạt động từ thiện của Anh, ông William Shawcross cũng đã nhận định, vấn đề đáng lo ngại nhất đối với các tổ chức từ thiện của Anh là việc những phần tử cực đoan Hồi giáo lợi dụng hoạt động từ thiện để tài trợ khủng bố đang ngày càng gia tăng.
Ba tổ chức từ thiện ở Anh hiện đang bị điều tra với cáo buộc gây quỹ cho các nhóm khủng bố ở Syria và bảy tổ chức khác hiện đang bị giám sát. Một số người đã bị bắt giữ do bị tình nghi sử dụng tiền quyên góp cho các nạn nhân trong cuộc xung đột ở Syria vào các hoạt động khủng bố và tội phạm.
Ông William Shawcross cho rằng với nhiệm vụ giám sát hoạt động của khoảng 160.000 tổ chức từ thiện hiện nay, Ủy ban Từ thiện của Anh cần nhiều quyền hạn pháp lý và nguồn vốn hơn nữa để có thể cải thiện hoạt động của mình.
Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền
Theo Khuyến nghị đặc biệt thứ tám về chống tài trợ khủng bố của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đưa ra thì mỗi nước cần xem xét lại tính thích hợp của các đạo luật và quy định liên quan đến các tổ chức phi lợi nhuận để xác định việc liệu những tổ chức này có thể bị lợi dụng cho các mục đích tài trợ cho khủng bố hay không.
Một nước cần bảo đảm để các tổ chức phi lợi nhuận của mình không bị lạm dụng:
• Bởi các tổ chức khủng bố trá hình là các tổ chức hợp pháp;
• Để lợi dụng các pháp nhân như các kênh truyền dẫn cho hoạt động tài trợ cho khủng bố, bao gồm việc né tránh các biện pháp phong tỏa tài sản; hoặc
• Để che giấu hoặc che đậy việc bí mật chuyển bất hợp pháp các quỹ được dự định dành cho các mục đích hợp pháp sang cho các tổ chức khủng bố.
Khuyến nghị này bao gồm những hướng dẫn và mục tiêu chung cần đạt được mà không phải là những yêu cầu cụ thể.
Có ba lĩnh vực đòi hỏi các nước phải quan tâm:
Bảo đảm sự minh bạch về tài chính: Những tổ chức như vậy cần có hồ sơ tài chính minh bạch và tiến hành các hoạt động của mình theo hướng có thể kiểm toán được và có thể giải thích được các quỹ. Các tài khoản nên được công khai và việc giải ngân các quỹ nên được tiến hành qua tài khoản với các tổ chức tài chính có uy tín.
Kiểm tra bằng chương trình: Các tổ chức cần biết ai nhận quỹ và quỹ đó được sử dụng như thế nào và cần có những biện pháp tích cực để theo dõi những việc như vậy. Điều này đặc biệt quan trọng khi người nhận kinh phí ở một nước khác.
Quản trị: Hồ sơ về các hoạt động của tổ chức đó nên được lưu trữ đầy đủ và cần có cơ cấu quản trị rõ ràng và có trách nhiệm giải trình nội bộ.