Cần quản chặt, xử nghiêm việc bán "lúa non" tại dự án bất động sản:

Cảnh giác với chiêu “tay không bắt giặc”

Theo Vũ Quang/Báo Long An

Gần đây, các hoạt động quảng bá, mời chào, rao bán nền tại nhiều dự án kinh doanh bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh đang “nóng” trở lại. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý tại các dự án cần được kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi chủ đầu tư dự án bán “lúa non” để huy động vốn trái phép như đã từng xảy ra trong những năm gần đây.

Dự án khu dân cư thương mại hiện nay “nở rộ” ở các huyện tiếp giáp với TP.HCM. Ảnh: Vũ Quang
Dự án khu dân cư thương mại hiện nay “nở rộ” ở các huyện tiếp giáp với TP.HCM. Ảnh: Vũ Quang

“Nóng” lại sau thời gian “đóng băng” do Covid-19

Lướt qua các sàn rao bán BĐS đăng tải trên mạng cho thấy, thông tin bán đất nền trong các dự án khu dân cư, đô thị ở các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An) rất nhiều. Muốn tìm hiểu dự án nào, chỉ cần để lại tin nhắn theo số điện thoại, Zalo có sẵn trên trang mạng thì một lúc sau sẽ liên tiếp nhận được những cuộc điện thoại của người giới thiệu là nhân viên kinh doanh BĐS.

Hầu như những cuộc gọi như thế, chúng tôi đều nghe nhân viên giới thiệu rất tốt về dự án với nhiều tiện lợi, tiện ích. Nào là dự án ở khu vực hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện, khoảng cách đi đến TP. Hồ Chí Minh không xa, có pháp lý rõ ràng,...

“Hiện tại dự án mở bán, nếu anh mua để cất nhà ở thì rất tốt, còn mua để bán lại thì khả năng thời gian sau sẽ sinh lời rất cao. Bên dự án chúng em không còn nhiều nền F0 nên nếu anh có nhu cầu thì nhanh lên kẻo hết. Trong thực hiện giao dịch, anh có thể “xuống tiền” theo nhiều đợt, bảo đảm một thời gian sau là có giấy hẳn hoi” - một nhân viên nhiệt tình quảng bá cho một dự án ở huyện Đức Hòa.

Gần đây, qua tìm hiểu trên các sàn BĐS, anh Nguyễn Văn Hiếu, ngụ TP. Hồ Chí Minh, thấy một dự án khu dân cư thương mại ở xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa khá đẹp khi nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, cách TP. Hồ Chí Minh không xa nên đến xem thực tế. Theo anh Hiếu, nhìn chung, dự án này được chủ đầu tư triển khai, thực hiện các hạng mục hạ tầng nội bộ.

“Tôi nghe ngóng được nhiều người đã mua nền ở dự án này với giá 800 - 900 triệu đồng/nền, có loại hơn 1 tỷ đồng/nền. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, tôi biết dự án này chưa đủ điều kiện pháp lý để giao dịch kinh doanh BĐS, ngay cả giấy phép xây dựng hạ tầng cũng chưa được cơ quan chức năng cấp phép” - anh Hiếu nói.

Liên hệ tìm hiểu về một số dự án khu dân cư ở huyện Cần Giuộc, chúng tôi nhận được rất nhiều lời giới thiệu mỹ miều. Ngoài ra, theo lời nhân viên, nếu khách hàng đang ở TP. Hồ Chí Minh muốn đi thực tế thì khả năng trong tuần, khi có đủ lượng khách liên hệ, phía công ty sẽ bố trí ôtô đến rước và đưa xuống xem dự án.

Trong số nhiều thông tin được quảng bá trên mạng, chúng tôi nhận thấy, có những dự án được thông tin với tên thương mại theo chữ nước ngoài. Theo đó, có những lúc liên hệ ngành chức năng ở tỉnh cũng “bối rối” và kiểm tra lại bởi trong quy hoạch không có dự án nào tên như vậy.

Chỉ khi xác minh, rà soát, đối chiếu với quy hoạch thì cơ quan chức năng mới biết tên thật trong giấy tờ, thủ tục, chủ trương đầu tư của dự án là gì. Việc doanh nghiệp tùy tiện tự đặt tên thương mại cho dự án không đúng với tên thật theo chủ trương đầu tư cũng gây ra những lộn xộn, khó hiểu, làm khó cho công tác theo dõi, quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Bài học” còn đó, hãy cảnh giác!

Trên địa bàn các huyện trọng điểm giáp với TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều dự án dân cư thương mại với những quy mô khác nhau. Cùng với việc đáp ứng nhu cầu của người dân, phát triển dân cư, đô thị thì những năm qua đã phát hiện nhiều vấn đề gây bức xúc.

Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 có những quy định: Điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án,...

Dù vậy, những năm gần đây, ngành chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều dự án khu dân cư thương mại có sai phạm; thậm chí có những đối tượng “tay không bắt giặc” bởi dự án mới chỉ là khu đất ruộng nhưng đã giao dịch nhận tiền của khách hàng.

“Có những dự án dân cư thương mại chưa đủ điều kiện pháp lý như chưa xong thủ tục đất đai, chưa san lấp mặt bằng, chưa xây dựng hạ tầng nhưng chủ đầu tư đã nhận cọc của khách hàng để huy động vốn. Đây là một trong nhiều vi phạm khá phổ biến xảy ra thời gian qua, nhiều trường hợp đã bị xử phạt” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Long An, Đặng Thị Thúy Hà thông tin.

Qua tìm hiểu, ngoài bán lô nền huy động vốn khi chưa đủ điều kiện pháp lý kinh doanh BĐS thì có những dự án chậm trễ, kéo dài từ năm này qua năm khác vẫn không triển khai. Ngoài ra, có những dự án thực hiện rất vội vàng theo kiểu “cầm đèn chạy trước ôtô”. Đó là vi phạm thi công hạ tầng khi chưa có giấy phép xây dựng. Việc này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm chất lượng, không đồng bộ hạ tầng kết nối, sau này sẽ ảnh hưởng đến những người dân vào ở.

Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, nhiều lần thông tin: “Những năm gần đây, việc chủ đầu tư huy động vốn bằng cách bán nền, nhận tiền đặt cọc của khách hàng ở một số dự án BĐS khi chưa đủ điều kiện pháp lý đã phát sinh, xảy ra khiếu nại, tố cáo, tụ tập đông người, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự”.

Thực tế, những năm gần đây, cơ quan chức năng ở tỉnh nhận được đơn, thư tố cáo một số đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng liên quan đến dự án BĐS. Mặt khác, nhiều người còn giăng băng rôn, kéo đến các cơ quan nhà nước để phản ánh, tố cáo bị doanh nghiệp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, quê Tiền Giang, kể, từng nghe theo lời rủ rê của bạn bè nên anh “xuống tiền” mua một nền đất ở dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa) với giá hơn 700 triệu đồng (thanh toán nhiều đợt), do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng BĐS Hưng Thịnh làm chủ đầu tư.

Khi đó, nhân viên của công ty quảng bá, giới thiệu dự án với những câu từ rất hấp dẫn; đồng thời, hứa hẹn, cam kết sau khi thanh toán xong, một thời gian ngắn sẽ có giấy tờ đất. Tuy nhiên, sau khi trả xong, chờ mãi vẫn không thấy công ty giao giấy tờ đất như đã hứa nên anh yêu cầu hoàn trả lại tiền nhưng không được giải quyết.

Nhiều lần đến tận trụ sở công ty nhưng người ở đây cứ lảng tránh, sau đó thì trụ sở này cũng đóng cửa và không biết liên hệ với ai. Anh gọi vào số điện thoại mà công ty đã cho trước đó thì luôn trong tình trạng “ò í e”,... Thấy vậy, anh tìm hiểu mới biết, dự án này không phải như công ty quảng bá, thực tế chỉ là bãi đất ruộng chưa được hoàn thành thủ tục đất đai. Tiếp tục tìm hiểu, anh biết còn có nhiều người khác cũng mua phải nền của dự án này như thế.

“Cứ nghĩ có một khoản tiền dư dôi chưa làm gì nên đầu tư mua miếng đất để đó, dự định sau thời gian sẽ bán lại kiếm lời nhưng bỗng dưng đứng trước nguy cơ bị lừa gạt, mất trắng nên tôi đã trao đổi với những “nạn nhân” khác khiếu nại, khởi kiện ra tòa án việc công ty này lừa đảo” - anh Tuấn nói.

Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Long An, dự án này có diện tích hơn 9ha và xảy ra nhiều bức xúc, lùm xùm, khiếu nại, tố cáo. Công an tỉnh và ngành chức năng ở tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm đơn tố cáo công ty lừa đảo. Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo giải quyết, xử lý. Theo đó, từ những dấu hiệu phạm tội, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ.

Bài học vẫn còn đó, người dân cần cảnh giác để tránh mắc phải chiêu thức “tay không bắt giặc”, huy động vốn khi “dự án” BĐS chỉ là một bãi đất ruộng bỏ hoang hay là một dự án mỹ miều nào đó tự vẽ ra trên giấy