Cảnh giác với "cơn bão sốt đất" đổ bộ Cần Giờ
Thông tin UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt phương án thiết kế cầu Cần Giờ là một tâm điểm chú ý của giới đầu tư bất động sản TP. Hồ Chí Minh tuần qua.
Phương án thiết kế cầu Cần Giờ để thay thế phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP. Hồ Chí Minh vừa được phê duyệt, sẽ là cây cầu dây văng một trụ tháp theo hình tượng cây đước - loài cây đặc trưng của huyện Cần Giờ. Lan can cầu theo hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo hiệu ứng rừng đước. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cầu là 5.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đằng sau niềm vui về cây cầu mơ ước của người dân rừng sác là nỗi lo về "cơn bão sốt đất" đang âm thầm kéo đến. Một nhà đầu tư có nhiều năm trải nghiệm ở thị trường đất Cần Giờ cho biết, có thửa đất 10.000m2 (40x250m), mặt tiền đường Rừng Sác, xã Bình Khánh năm 2010 có giá 1 tỷ đồng, đến năm 2015 lên 2 tỷ, năm 2016 lên 3,5 tỷ, năm 2017 lên 7,5 tỷ. Sau khi có tin xây cầu Cần Giờ, giá vút lên 100 tỷ đồng, tăng 100 lần sau chưa đầy 10 năm!
Tương lai gần, huyện Cần Giờ sẽ trở thành một cực phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, M.I.C.E (hội thảo hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng), dịch vụ công nghệ cao... hướng tới một khu vực kinh tế tri thức, thu hút hoạt động khoa học, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo. Với những thông tin tích cực như vậy, việc nhiều người đổ về đây đầu tư bất động sản là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, các nhà đầu tư rất có thể sẽ lặp lại tình trạng như tại khu đô thị Nhơn Trạch trước đây.
Cần nói thêm rằng, tại Hội thảo 40 năm Cần Giờ - Thành quả và kinh nghiệm cuối năm 2018, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sắp tới Cần Giờ nên phát triển du lịch biển, phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, phát triển giao thông vận tải biển, hệ thống cảng, đóng tàu... Riêng với vấn đề lấn biển để phát triển du lịch, kinh tế thì Bí thư Thành ủy cho rằng Thành ủy phải xem xét, nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế.