Cảnh giác với rượu lậu, rượu giả

Theo daibieunhandan.vn

Những ngày này, khi Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang đến gần, câu chuyện về rượu lậu, rượu giả lại nóng hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chỉ cần dạo qua các tuyến phố Kim Mã, Giang Văn Minh, Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, Hai Bà Trưng, Đào Duy Từ, chợ Hàng Da và một số tuyến phố trung tâm gần chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là có thể thấy cảnh nhộn nhịp, tấp nập người mua, kẻ bán tại các quầy kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu ngoại.

Theo đó, Chivas, Ballentines, Whisky, Remy Martin, Hennessy, Vodka… được ưa chuộng hiện nay, có giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng/chai. Tuy nhiên, điều đáng nói là giá từng loại rượu có sự chênh lệch ở từng cửa hàng dẫn đến lo ngại về rượu lậu, rượu giả.

Trong vai người đi mua rượu ngày Tết, chúng tôi tới một số cửa hàng rượu trên các tuyến phố của Hà Nội. Mặc dù giá từng mặt hàng được ghi sẵn trên kệ, song khi mặc cả, giá một chai rượu ngoại có thể được bớt xuống thậm chí vài trăm nghìn đồng. Và, cùng một chủng loại rượu, nhưng giá của từng cửa hàng cũng khác nhau. Đơn cử, một chai rượu Chivas 21 loại 750ml tại 202A Phố Huế, chủ cửa hàng báo giá là 1,7 triệu đồng, nhưng tại 175/32 Xuân Thủy - Cầu Giấy lại có giá 2,3 triệu đồng, còn tại cửa hàng rượu Anh Đức - 339 Kim Mã, giá 2,5 triệu đồng. Hỏi chủ một kiot tại sao giá rẻ hơn các nơi khác, trong khi không có tem nhập khẩu thì được cho biết, ở đây chuyên bán hàng xách tay.

Qua trao đổi với một số chủ sạp rượu trên phố Hai Bà Trưng - nơi chuyên buôn bán rượu ngoại, họ đều cho rằng: Buôn có bạn, bán có phường, nếu đưa rượu lậu, rượu giả kém chất lượng vào bán thì chỉ được một lần, lần sau khách hàng không bao giờ quay trở lại. Do vậy, rượu lậu, rượu giả, nhái chỉ có ở những cửa hàng không chuyên về rượu…

Theo cơ quan chức năng, rượu là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất, đặc biệt là vào thời điểm giáp Tết. Thực tế gần đây đã có nhiều loại rượu ngoại giả được sản xuất ngay trong nước với nguyên liệu là rượu rẻ tiền cộng nước đường, hương liệu, sau đó đóng vào chai thật, nhãn mác thật. Rượu giả còn được phù phép bằng những chiếc tem, nhãn mà nếu như không có thiết bị chuyên dùng thì lực lượng kiểm tra không thể nào phát hiện được…

Không chỉ rượu ngoại, thời gian gần đây, qua kiểm tra, xử lý cho thấy, ngay cả rượu nội cũng bị làm giả. Chiều ngày 21/12/2016, Đội 2 Phòng 7 - Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện một cơ sở nhà xưởng có dấu hiệu sản xuất, đóng gói rượu kém chất lượng tại thôn Cao Viên, xã Đình Vỹ, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện hàng nghìn chai rượu với nhiều nhãn mác, kiểu dáng, chủng loại khác nhau.

Trong quá trình kiểm tra, chủ cơ sở này đã không thể đưa ra giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại vỏ chai, nguyên liệu sản xuất, lên men rượu... Tại cơ sở này, còn phát hiện nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất như lên men rượu thủ công, lạc hậu và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Quy trình đóng gói cũng có nhiều dấu hiệu sai phạm. Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu và cho niêm phong toàn bộ sản phẩm để tiến hành xét nghiệm, hoàn tất hồ sơ xử lý…

Để kiểm tra, phát hiện và bắt giữ những trường hợp buôn bán rượu giả không hề đơn giản, bởi các đối tượng thường chia lẻ hoặc đan xen rượu lậu lẫn với rượu thật để bán. Bên cạnh đó, công tác thẩm định rượu giả rất phức tạp, việc phân biệt tem rượu giả không thể thực hiện bằng mắt thường mà buộc phải có thiết bị chuyên dụng.

Do vậy, để tránh thiệt hại về kinh tế và sức khỏe, thiết nghĩ bản thân người tiêu dùng cần thận trọng, chỉ mua, sử dụng những loại rượu có đầy đủ tem nhãn, nơi sản xuất. Cùng đó, các cơ quan chức năng cũng cần thắt chặt quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu rượu, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, tránh để rượu giả, rượu lậu hoành hành trên thị trường.