Cảnh giác với thẻ ngân hàng giả
Thẻ ngân hàng (NH) giả thường có những đặc điểm như phôi thẻ trắng, hoặc dán lên mặt trước của thẻ bản sao các thẻ visa, mastercard, mặt sau không có các đặc điểm an ninh như thẻ thật như lô-gô 3D, 3 chữ số CVV bảo mật thẻ.
Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh nhắc nhở các TCTD như vậy trong Hội nghị thông tin tuyên truyền về phòng, chống tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh tuần qua. Theo đó, mỗi NH cần phải tăng cường kiểm tra máy chấp nhận thẻ (POS), hạn chế tối đa nguy cơ cấu kết với đối tượng dùng thẻ giả để thanh toán trục lợi tiền trong NH.
Bốn nhóm tội phạm thẻ
Thị trường thẻ NH Việt Nam phát triển mới trong thời gian gần đây, và hiện đang bước vào giai đoạn chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp đảm bảo tính an toàn cao. Theo kế hoạch, đến năm 2020, các NH sẽ đồng loạt chuyển đổi sang thẻ chíp, và cùng với đó, tội phạm mạng vẫn đang liên tục tấn công vào các lỗ hổng an ninh an toàn tài chính.
Theo một thống kê của HSBC Việt Nam, trong quý I/2016, bộ phận thẻ của NH này đã ngăn chặn giao dịch qua thẻ có nguy cơ rủi ro với số tiền lên đến gần 1 triệu USD, số tiền thu hồi 21 ngàn USD, số tiền tổn thất từ các giao dịch thẻ đến 18 ngàn USD. Tỷ lệ này của năm 2015 lần lượt là 1,324 triệu USD, 85 ngàn USD, 45 ngàn USD. Trước đó năm 2014 tỷ lệ lần lượt theo các nguy cơ trên là 1,031 triệu USD, 104 ngàn USD, 92 ngàn USD.
Một đại diện của HSBC cho biết, các máy ATM của NH này ở quận 2 và quận 7 (TP.Hồ Chí Minh) thời gian qua bị tội phạm tấn công nhiều nhất. Nguyên do khu vực này có nhiều dân cư khá giả sinh sống và thường xuyên thanh toán và rút tiền mặt qua các máy ATM.
HSBC Việt Nam cũng cảnh báo, tội phạm loại này thường chia thành 4 nhóm: Nhóm thực hiện gắn thiết bị đánh cắp thông tin; nhóm thực hiện thu hồi các thiết bị đánh cắp thông tin; nhóm phát hành thẻ giả; nhóm thực hiện việc rút tiền bằng thẻ giả.
Ông Huỳnh Nguyễn Bảo Phúc, Trưởng đại diện Trung tâm thẻ khu vực miền Nam của BIDV cho biết, NH phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp máy ATM bị lắp đặt thiết bị đánh cắp thông tin thẻ để làm thẻ giả và thực hiện các giao dịch gian lận. Thậm chí các nhóm tội phạm còn làm thẻ giả ở nước ngoài để đến Việt Nam thực hiện các giao dịch gian lận trên ATM hoặc đơn vị chấp nhận thẻ.
“Qua công tác phối hợp trong hai năm qua, các chi nhánh của BIDV trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ quả tang 9 đối tượng tội phạm quốc tế và đồng bọn với tang vật gồm hơn 300 thẻ giả, tiền mặt và các tang vật khác” – ông Huỳnh Nguyễn Bảo Phúc nói thêm.
Ông Trần Bình Đạt, Giám đốc CTCP bảo vệ ACB cho biết, ACB đã thành lập Trung tâm giám sát an ninh các trụ máy ATM, qua đó ngăn chặn kịp thời và bắt quả tang nhiều đối tượng tội phạm. Trong 48 vụ việc được phát hiện trong thời gian qua, có đến 7 vụ tội phạm công nghệ cao, đối tượng là người nước ngoài dùng chíp và thẻ giả rút trộm tiền từ máy ATM.
Cảnh giác với bất thường ở máy ATM
Tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực NH hiện được thực hiện với nhiều hình thức tinh vi. Gần đây một số đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam đưa thẻ giả cho những người Việt mới quen để đi mua hàng. Tội phạm từ nước ngoài đến Việt Nam câu kết với người trong nước thành lập DN kinh doanh như bán vé máy bay, quần áo, mỹ phẩm… sau đó đăng ký làm đại lý chấp nhận thẻ thanh toán với NH. Một đại diện PA 84 cho hay, hiện tội phạm công nghệ cao liên quan đến lĩnh vực NH thường chia nhỏ thành các nhóm để hoạt động, gây nhiều khó khăn cho cơ quan an ninh.
Theo công an TP.Hồ Chí Minh, cách bảo vệ an toàn nhất của người dân khi sử dụng máy ATM là để ý đến hình dáng bên ngoài xem có dấu hiệu bất thường thì nên thông báo cho NH để NH phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Khi nhập mật khẩu trên máy rút tiền tự động nên lấy tay hoặc cầm tờ giấy che bàn phím lại. Tuy nhiên cũng đã xảy ra tình trạng tội phạm mạng đã gắn camera phía dưới tấm che của NH trên bàn phím máy ATM để lấy cắp thông tin cá nhân.
Đối với các TCTD, khi kiểm tra bảo trì và tiếp tiền cho máy ATM, thường xuyên phải kiểm tra để phát hiện thiết bị lạ trên máy. Đối với việc sử dụng thẻ thanh toán, trong quá trình thanh toán mua bán hàng hóa thì nên xem xét kỹ các hợp đồng đối với các nhà chấp nhận thanh toán thẻ. Bản thân các TCTD phải thường xuyên tra soát đối tác để phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ.
Chẳng hạn, giao dịch phát sinh tăng nhanh của các đơn vị chấp nhận đặt máy thanh toán hoặc những giá trị giao dịch mua hàng lớn. Hiện đa số các NH đã có phần mềm cảnh báo các giao dịch phát sinh lớn đột xuất tại một đơn vị chấp nhận thẻ.
Theo các lực lượng chức năng, các đối tượng thường đi theo nhóm từ 2 đến 3 người, khi thanh toán thường có nhiều loại thẻ, nếu có thẻ bị lỗi hoặc bị từ chối thanh toán thì đối tượng sử dụng ngay thẻ khác.
Đối với tội phạm công nghệ cao ở các máy ATM, chúng thường lắp đặt camera lấy cắp thông tin cá nhân, các thiết bị có khả năng hoạt động liên tục từ 3-4 giờ đồng hồ.
Thẻ NH giả thường có những đặc điểm như phôi thẻ trắng, hoặc dán lên mặt trước của thẻ bản sao các thẻ visa, mastercard, mặt sau không có các đặc điểm an ninh như thẻ thật như lô-gô 3D, 3 chữ số CVV bảo mật thẻ.