Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới trong buôn bán quốc tế

Trần Huyền

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan vừa gửi tới các doanh nghiệp Việt Nam cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới trong buôn bán quốc tế.

Doanh nghiệp cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới trong buôn bán quốc tế. Ảnh: internet
Doanh nghiệp cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới trong buôn bán quốc tế. Ảnh: internet

Theo đó, với thủ đoạn giả mạo doanh nghiệp, đối tượng lừa đảo lừa doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền để mua nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu và lừa doanh nghiệp Pakistan xuất khẩu nguyên liệu chất lượng thấp sang Việt Nam. Điều này dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam bị chiếm đoạt tiền và doanh nghiệp Pakistan không thể tiêu thụ được lô hàng kém chất lượng tại Việt Nam và cũng không thể lấy lại được lô hàng vì vướng tranh chấp.

Chi phí lưu hàng tại cảng, tiền phạt của hãng tàu và tiền cắm điện chạy container lạnh đang tăng lên từng ngày. Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã đề xuất 2 doanh nghiệp đàm phán một thỏa thuận để giảm thiểu tổn thất. Doanh nghiệp Việt Nam có thể ký quỹ một số tiền để doanh nghiệp Pakistan đồng ý giao hàng hoặc doanh nghiệp Pakistan ký quỹ một số tiền để doanh nghiệp Việt Nam đồng ý cho tái xuất lô hàng. Tuy nhiên, như vậy doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thanh toán lần 2 cho lô hàng không sử dụng được hoặc doanh nghiệp Pakistan mua lại chính lô hàng của mình.

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, vụ việc đang tiếp tục diễn biến theo hướng các ngân hàng liên quan của Việt Nam và Pakistan có nguy cơ sẽ trở thành nạn nhân. Đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều nghiệp vụ chuyên môn để gây nhầm lẫn, sai sót cho cả ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Pakistan. Do đó, đối tượng lừa đảo đã vượt qua được các hàng rào an ninh của ngân hàng để mở tài khoản và nhận tiền, rút tiền thành công ra khỏi ngân hàng.

Để mở tài khoản giả mạo doanh nghiệp tại ngân hàng Pakistan đối tượng lừa đảo thành lập một doanh nghiệp tự doanh (PROPRIETORSHIP COMPANY) để lách luật Pakistan về tên doanh nghiệp có thể trùng tên với bất cứ doanh nghiệp nào. Và để chắc chắn lừa được ngân hàng, các đối tượng lừa đảo còn bớt đi một dấu gạch ngang trong tên doanh nghiệp.

Để rút được tiền ra khỏi tài khoản mà không phải xuất trình bộ chứng từ giao hàng và các giấy tờ cần thiết theo quy định nghiêm ngặt của luật Pakistan về thanh toán quốc tế và kiểm soát chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đối tượng lừa đảo hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam đưa vào thông báo chuyển tiền của ngân hàng Việt Nam 2 chữ: “ADVANCE PAYMENT” (thanh toán trước). Theo pháp luật Pakistan và tập quán thanh toán quốc tế, doanh nghiệp xuất khẩu không cần và không thể xuất trình bộ chứng từ giao hàng khi rút khoản tiền thanh toán trước mang tính chất đặt cọc để triển khai thực hiện việc giao hàng.

Tuy nhiên, căn cứ vào các nội dung khác của thông báo chuyển tiền của ngân hàng Việt Nam và các quy định khác về quản lý thanh toán quốc tế của Việt Nam và Pakistan, cả ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Pakistan đều có nguy cơ phải chịu trách nhiệm vì đã có nhầm lẫn, sai sót. Ngân hàng Việt Nam đã không kiểm tra hợp đồng xuất khẩu và hóa đơn thanh toán hàng xuất khẩu, trong đó ghi rõ số tiền chuyển ra nước ngoài là: “BALANCE PAYMENT/REMAINING BALANCE” (tất toán) nên đã sai sót đưa vào thông báo chuyển tiền 2 chữ: “ADVANCE PAYMENT” (thanh toán trước), tạo kẽ hở cho đối tượng lừa đảo rút được tiền ra khỏi ngân hàng Pakistan. Ngân hàng Pakistan đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tìm hiểu khách hàng và giám sát hoạt động thanh toán theo quy định thanh toán quốc tế (URC 522, URBPO 750) và quy định KYC-CDD (KNOW YOUR CUSTOMER-CUSTOMER DUE DIGILANCE) của Ngân hàng Nhà nước Pakistan.

Mặc dù Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã phát hiện được đối tượng và thủ đoạn lừa đảo, đã kịp thời cảnh báo và kiến nghị chấm dứt quan hệ với đối tượng lừa đảo nhưng doanh nghiệp Việt Nam đã không xem xét thông tin cảnh báo và không thực hiện kiến nghị của Thương vụ. Thủ đoạn lừa đảo này nguy hiểm ở chỗ doanh nghiệp sở tại cũng bị lừa.