Cạnh tranh hút dòng vốn Nhật trong ASEAN
Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được Tổng thư ký ASEAN đánh giá đang cải thiện tốt giúp gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản. Mặc dù vậy, để duy trì khả năng cạnh tranh với các nước ASEAN trong việc hút dòng vốn Nhật, Việt Nam cần tiếp tục có những chiến lược hiệu quả về chính sách thu hút đầu tư.
Hồi đầu tháng 7, Tập đoàn Shiki (Nhật Bản) đến tỉnh Bình Định với ý định đầu tư chuỗi nhà hàng Nhật cao cấp bằng nguồn nguyên liệu thủy sản tươi sống ở địa phương.
Trước đó, Tập đoàn Kato của Nhật cũng đến tỉnh này tìm hiểu cơ hội đầu tư về dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khu đô thị phức hợp, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao.
Vị trí dẫn đầu
Gần đây Bình Định là một trong những địa phương đang được doanh nghiệp (DN) Nhật Bản quan tâm nhờ những nỗ lực xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, cảng biển, vật liệu xây dựng, chế tạo, xuất khẩu lao động, y tế, rau sạch, gỗ, thủy sản…
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính theo đối tác đầu tư trong nửa đầu năm 2018, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,47 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư.
Nhật Bản được đánh giá là đối tác đầu tư với cơ cấu nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo… thuộc nhóm tốt nhất tại Việt Nam hiện nay
Mới đây, trong buổi tiếp ông Hiroyuki Ishige, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các DN Nhật tập trung đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, điện tử, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, hàng không, khách sạn…
Chia sẻ với Thủ tướng, ông Hiroyuki cho biết các DN Nhật rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và điều quan trọng là các nhà đầu tư Nhật cần tuyển nhiều lao động có tay nghề cao.
Tại cuộc họp báo sau buổi đối thoại lần thứ XI giữa Liên đoàn các Hiệp hội DN Nhật Bản tại các nước ASEAN (FJCCA) và Tổng thư ký ASEAN diễn ra ở Tp.HCM ngày 23/7, ông Hiroyuki cho biết thêm một lý do dẫn tới việc Nhật Bản trở lại vị trí dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam là hồi tháng 6 năm ngoái, Việt Nam và Nhật Bản đã ký tổng cộng 36 thỏa thuận hợp tác (MOU) với tổng số tiền lên tới 21 tỷ USD.
"Đây là con số rất lớn. Tôi muốn nhấn mạnh thêm hai điểm quan trọng. Thứ nhất là môi trường đầu tư ở Việt Nam đang ngày càng cải thiện và chứng tỏ được sự đổi mới thực chất. Thứ hai là thông qua các cải cách về thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hải quan, tháo gỡ các vướng mắc để cho các DN có thể dễ dàng thông quan, đưa sản phẩm ra được thị trường bên ngoài có hiệu quả", Chủ tịch Jetro nhấn mạnh.
Duy trì khả năng cạnh tranh
Còn với góc nhìn của ông Dato Lim Jock Hoi, Tổng thư ký ASEAN, Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ vị thế của một quốc gia phát triển về kinh tế trong nền kinh tế toàn cầu từ sự tăng trưởng kinh tế khả quan hàng năm, môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã, đang và sắp có hiệu lực.
Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại được giới chuyên gia đánh giá là lợi thế mang đến cơ hội ưu tiên tiếp cận những thị trường quan trọng như Nhật Bản.
Điều này không chỉ có vai trò quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam mà còn hấp dẫn giới đầu tư Nhật. Về lý thuyết, các nhà đầu tư Nhật muốn tìm kiếm hiệu quả sẽ hướng đến việc sản xuất những hàng hóa hoặc dịch vụ ở Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường thứ ba.
Đáng chú ý, tại sự kiện FJCCA ở Tp.HCM lần này có nhắc đến thị trường số hóa ở Việt Nam. Với sự gia tăng dân số và số người sử dụng Internet ngày càng nhiều, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho phương hướng phát triển của các nhà đầu tư.
Theo giới chuyên gia, hiệu quả kinh doanh của các DN Nhật Bản tại Việt Nam đang dần tiến tới và bắt kịp với các DN Nhật đầu tư tại một số quốc gia ASEAN như Thái Lan hay Philippines, Malaysia, Indonesia…
Tuy nhiên, dù có được kết quả đầu tư FDI ấn tượng, Việt Nam cần nhận thức phải có một sự thay đổi chiến lược về chính sách thu hút đầu tư để duy trì khả năng cạnh tranh trong ASEAN trong việc hút dòng vốn Nhật.
Như chia sẻ của ông Keiichi Kadowaki, Chủ tịch FJCCA, trong 5 năm gần đây, hơn 12% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật Bản là tại các nước ASEAN. Xét trên thị trường chứng khoán, DN Nhật Bản đầu tư nhiều nhất tại Thái Lan, Philippines và đứng thứ hai tại Malaysia, Singapore. Số DN thành viên của FJCCA cũng đã tăng hơn 7.300 trong năm 2018 và có một mức tăng nhanh chóng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những mối băn khoăn mà DN Nhật Bản gặp phải khi đầu tư vào Việt Nam, nhất là chi phí nhân công đang tăng cao (61,6% DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam cho biết).
Ngoài ra, giới đầu tư Nhật vẫn chưa hết lo ngại về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và vận dụng pháp luật không rõ ràng, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính và thủ tục thuế còn phức tạp.