Cấp bách giải quyết vấn đề thể chế với lĩnh vực P2P Lending
Vấn đề thể chế, hành lang pháp lý quy định cụ thể với lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) đang rất cấp bách cần được hoàn thiện, nhằm giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Nhu cầu thị trường lớn
Có thể nói, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam tăng lên qua từng năm. Năm 2015, toàn thị trường chỉ có 39 công ty (con số này tăng lên 74 công ty khởi nghiệp vào năm 2017 và 124 công ty khởi nghiệp vào năm 2019), đến năm 2021, ước tính đã có hơn 150 công ty tham gia vào lĩnh vực Fintech ở Việt Nam.
Không thể phủ nhận rằng, thanh toán không dùng tiền mặt đang bùng nổ tại Việt Nam và vẫn còn nhiều khả năng phát triển hơn nữa trong tương lai. Báo cáo mới nhất của PwC cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến và lĩnh vực này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện của đất nước. Đến năm 2030, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng về số lượng giao dịch không dùng tiền mặt trên đầu người, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có nhiều tiềm năng nhờ các cam kết của Chính phủ hướng tới mục tiêu 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.
Còn với P2P Lending, cũng hướng đến đa dạng đối tượng khách hàng, với nhiều những ưu điểm như thủ tục đơn giản, thao tác đăng ký hoàn toàn thực hiện trực tuyến ở mọi nơi, khách hàng không cần chứng minh tài chính cùng thời gian giải ngân nhanh, số lượng cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay đến với mô hình này sẽ ngày càng nhiều.
Nhu cầu của thị trường là rất lớn, tuy nhiên còn phụ thuộc nhiều vào khung pháp lý. Khi chưa có khung pháp lý cụ thể, hoạt động của các doanh nghiệp Fintech hiện còn nhiều hạn chế.
Về tốc độ phát triển thị trường, theo thống kê từ Merchant Machine vào năm 2021, Việt Nam xếp thứ 2 trên toàn thế giới với 69% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính, chưa có tài khoản ngân hàng. Trong khi ưu điểm của mô hình P2P Lending sẽ giúp cá nhân, tổ chức tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng hơn với nguồn tài chính, thúc đẩy dịch vụ tài chính trực tuyến phát triển.
Báo cáo Thị trường ứng dụng di động 2021 do Appota công bố ngày vừa qua cũng cho thấy, tại Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, với 95% thiết bị có sử dụng Internet, vì vậy P2P Lending vẫn đang được đánh giá là mô hình cho vay phù hợp xu thế phát triển công nghệ. Dự báo của Transperancey Market Research về quy mô và xu hướng phát triển thị trường P2P Lending toàn cầu, thị trường này có thể đạt quy mô 897,9 tỷ USD vào năm 2024. Riêng thị trường cho vay ngang hàng ở Việt Nam, thực tế vẫn mới chỉ ở giai đoạn ban đầu và vì vậy, vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
Phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu
Điểm mạnh của thị trường có thể kể đến một số ưu điểm như: Không qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, ngân hàng; Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ; Khâu thẩm định vay sẽ được thực hiện online 100%, giao dịch mọi nơi, thời gian giải ngân nhanh chóng; Đây như là giải pháp thay thế hình thức tín dụng đen với lãi suất cao; Thủ tục đơn giản, dễ dàng tiếp cận tài chính; người vay dễ dàng tìm được nguồn cung tài chính hợp lý, mức vay linh hoạt và lãi suất thấp; Vay không cần thế chấp tài sản, chứng minh tài chính và không gọi thẩm định người thân; Phù hợp cho đối tượng cần vay tiêu dùng, vay vốn kinh doanh nhỏ; Hỗ trợ vay tiền trả góp hàng tháng linh hoạt, tiện lợi.
Còn các điểm yếu là tiềm ẩn những rủi ro như: Rủi ro về mặt pháp lý, khi khung pháp lý quy định cho lĩnh vực này còn chưa được cụ thể hoá, nhà cung cấp dịch vụ sẽ bị hạn chế hoạt động, nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng bị biến tướng, tạo cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng đến uy tín của những công ty kinh doanh khác trên thị trường.
Rủi ro mất vốn hoặc chậm trả, là hình thức cho vay không cần thế chấp, không được bảo hiểm an toàn nên các khoản cho vay của nhà đầu tư có thể bị mất hoặc chậm trả nếu như người đi vay rơi vào tình trạng không thể trả tiền vay.
Rủi ro khi vận hành hệ thống, do chủ yếu hoạt động dựa vào sự phát triển công nghệ, đảm bảo duy trì hệ thống hoạt động thông suốt, ổn định là rất quan trọng.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp P2P Lending hiện chưa thể chia sẻ thông tin nợ xấu với hệ thống CIC, vì vậy rất khó để kiểm soát tỉ lệ nợ xấu và giảm lãi suất cho vay.
Để khắc phục điểm yếu và giảm thiểu rủi ro, thì yếu tố công nghệ cùng với quy trình đảm bảo tìm đúng khách vay an toàn, thu hồi nợ đúng luật là rất quan trọng. KYC (định danh cá nhân) cũng là một trong những công nghệ cốt lõi, vì vậy rất cần Chính phủ, các ngân hàng thương mại hỗ trợ xây dựng và áp dụng công nghệ này cho doanh nghiệp Fintech.
Mặt khác, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực thẩm định, đánh giá năng lực trả nợ và áp dụng biểu phí cho vay đối với từng đối tượng khách hàng, đa dạng gói tín dụng cho vay phù hợp nhu cầu của người vay.
Vấn đề hệ thống công nghệ đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là yếu tốt quan trọng tiên quyết. Như tại công ty chúng tôi hiện có đội ngũ nhân lực vận hành hệ thống rất mạnh về kỹ năng và chuyên môn, đảm vận hành hệ thống thông suốt và hiệu quả.
Tiếp theo, Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với cá nhân, tổ chức không hoàn thành trách nhiệm thanh toán nợ, thanh toán lãi. Việc Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn cũng góp phần gia tăng uy tín trên thị trường cho doanh nghiệp, loại bỏ cơ chế xin-cho, đồng thời tạo được cái nhìn khách quan, thiện cảm hơn của thị trường đối với lĩnh vực P2P mới mẻ này.
Bên cạnh đó, cũng cần phát huy các điểm mạnh hơn nữa, bằng cách đơn giản hoá quy trình, thủ tục cho vay bằng áp dụng công nghệ tiên tiến; Công khai thông tin về biểu phí, lãi suất cho vay, gói cho vay,… để tạo sự tin tưởng của người dùng; Hệ thống chăm sóc khách hàng hoạt động hiệu quả, đúng với quy định của pháp luật.
Mở cửa cơ chế
Thực tế, Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 06/9/2021 ban hành đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng Nghị định.
Chuyên gia Phạm Xuân Hoè đã từng khuyến nghị, rằng cơ chế sandbox cho Fintech cần được xây dựng dựa trên quan điểm: Khuyến khích đổi mới sáng tạo; gia tăng tiếp cận tài chính; bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư và người vay; kiểm soát rủi ro trong mức chấp nhận; truyền thông đầy đủ, chi tiết; tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, với đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng ngừa rủi ro an ninh mạng
Đặc biệt, đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các nhóm đối tượng khác nhau, gồm tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với các công ty Fintech có liên quan.
P2P Lending xuất hiện song song với tốc độ phát triển công nghệ thông tin hiện nay, bên cạnh đó là giải quyết nhu cầu tất yếu của thị trường, giúp mở rộng thêm phạm vi tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vay vốn, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Việc phát triển Fintech vì thế là tất yếu, phù hợp trong tình hình hiện nay.
Vấn đề thể chế, hành lang pháp lý quy định cụ thể hoạt động lĩnh vực P2P Lending vẫn là rất cấp bách và đặc biệt quan trọng. Hành lang pháp lý được ban hành kịp thời, với mục tiêu nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp sẽ giúp cho thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn.