Sửa Luật Thống kê:
Cập nhật các chỉ tiêu đo lường kinh tế số, phát triển xanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức hội thảo trao đổi ý kiến về những nội dung chủ yếu của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, dự kiến được Quốc hội thông qua ngày 13/11.
Định kỳ 5 năm rà soát quy mô GDP
Tại hội thảo ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc thông qua dự án Luật Thống kê tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thu thập, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những thông tin thống kê phản ánh năng suất, hiệu quả, tăng trưởng, phản ánh các nhóm yếu thế…
Những nội dung quan trọng được sửa đổi trong Luật Thống kê là bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Định kỳ 5 năm, rà soát quy mô GDP báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô GDP. Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng được cập nhật, bổ sung. Cụ thể: tăng 1 nhóm chỉ tiêu; sửa tên 3 nhóm chỉ tiêu; sửa tên 44 chỉ tiêu; bổ sung 58 chỉ tiêu và bỏ 14 chỉ tiêu.
Cập nhật, phản ánh các chính sách pháp luật, đường lối đổi mới
Theo Tổng cục Thống kê, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia tại dự án Luật đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây. Trong đó, 19 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
17 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; 52 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung về phát triển bền vững; 22 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; 12 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; 26 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá về giới và bình đẳng giới.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh điểm mới của dự thảo là bổ sung chỉ tiêu cụ thể về kinh tế số. Đó là các chỉ tiêu về tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP; tỷ lệ người 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; doanh thu dịch vụ viễn thông; doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin; doanh thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến; tỷ lệ người dùng internet; chi cho chuyển đổi số… Điều này rất cần thiết vì hiện nay, dư địa phát triển kinh tế số của Việt Nam là rất lớn nhưng mã ngành của kinh tế số chưa có nên phải ghi theo mã ngành của một ngành tương đương, chưa đúng về bản chất.
Để đưa Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền Luật. Bộ cũng sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành, như: Nghị định của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia...
Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 13/11./.