Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu kiểm soát bội chi ngân sách bình quân dưới 3,7% GDP
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 là kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, đảm bảo bình quân giai đoạn 2021-2025 ở mức 3,7% GDP, trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP.
Phấn đấu kiểm soát bội chi ngân sách bình quân dưới 3,7% GDP
Việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 là một giải pháp quan trọng nhằm tạo nguồn lực góp phần khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Do đó, một trong những nhiệm vụ trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ xác định là cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng cường quản lý thu, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế, đảm bảo tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân không thấp hơn 16% GDP.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai nhiệm vụ, dự án, đề án. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Thực hiện đúng dự toán NSNN được Quốc hội quyết định, kiểm soát bội chi NSNN, đảm bảo bình quân giai đoạn 2021-2025 ở mức 3,7% GDP, trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP.
Trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN, Chính phủ đặt mục tiêu triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của NSNN (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để ưu tiên tăng chi đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN, đảm bảo tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi NSNN, trong tổ chức thực hiện phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.
Rà soát các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế tối đa bổ sung NSNN ngoài dự toán, tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác nước ngoài..., dành nguồn phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý NSNN
Để tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý NSNN, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, Chính phủ đã xác định các giải pháp cụ thể. Trong đó, nghiên cứu sửa đổi Luật NSNN năm 2015, đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống thu, cơ cấu lại thu, đảm bảo nguồn ngân sách bền vững; đơn giản hóa hệ thống chính sách ưu đãi thuế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, chống thất thoát, gian lận thuế; tăng cường công tác chống chuyên giá.
Đẩy mạnh việc quản lý tài chính - NSNN trung hạn, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch nợ công, kế hoạch tài chính trung hạn, thực hiện thống nhất kế hoạch tài chính trung hạn 03 năm (cuốn chiếu) theo quy định của Luật NSNN và thông lệ quốc tế. Xây dựng và thực hiện cam kết chi của Chính phủ phù hợp với thông lệ quốc tế phục vụ hiệu quả công tác lập, quyết định dự toán, quyết toán và kiểm toán của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.
Một giải pháp khác được Chính phủ đề ra là tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng NSNN, gắn với tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng NSNN, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng NSNN và các nguồn lực tài chính công.
Thời gian qua, bội chi NSNN đã được kiểm soát chặt chẽ, bình quân các năm 2016-2019 ở mức 3,5%GDP, trong đó, các năm 2017-2019 bội chi còn 2,95%GDP, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,4%GDP. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6%GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội.