Tại sao Nga lại tiến hành một "cuộc chiến dầu mỏ" với Mỹ?
Nga hoàn toàn hiểu rõ ngành công nghiệp dầu mỏ mong manh của Mỹ được xây dựng trên một 'núi nợ'. Vì vậy, khi Ả Rập Xê Út kêu gọi cắt giảm sản lượng để giảm thiểu tình trạng dư cung, ông Putin đã quyết định bỏ qua.
Nga đã gây chấn động thế giới vào tuần trước bằng cách đối đầu với liên minh OPEC. Việc Moscow từ chối tham gia với liên minh này chủ yếu nhắm vào một phần các công ty dầu đá phiến của Mỹ.
Mục tiêu của Nga là giành lại thị phần từ các nhà đầu tư Mỹ, vốn tăng trưởng dựa trên nợ nần khiến Nga mất danh hiệu vào năm 2018 với tư cách là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
"Đây là một động thái để cố gắng làm tê liệt ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ", ông Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại công ty nghiên cứu năng lượng ClipperData cho biết.
Giá dầu đã sụp đổ vào hôm thứ Hai sau khi Ả Rập Xê Út tuyên bố sẽ chính thức giảm giá bán dầu, một phản ứng dữ dội chống lại động thái từ phía Nga. Dầu thô Mỹ giảm mạnh 26% trong ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1991, xuống mức thấp nhất 4 năm với 31,13 USD/thùng.
Dầu thô hiện rẻ đến mức nhiều công ty dầu đá phiến của Mỹ sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng. Điều này đã khiến cổ phiếu của các công ty dầu khí lớn như ExxonMobil và Chevron giảm 12%. Các công ty thăm dò và sản xuất cũng bị ảnh hưởng nặng nề, với việc cổ phiếu của Pioneer Natural Resources (PXD) giảm 37% và Occidental Petroleum (OXY) mất 52%.
Cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ gây ra hệ quả tương tự như những năm 2014-2016 đã khiến hàng chục công ty dầu khí của Mỹ phá sản và gây ra hàng trăm ngàn vụ sa thải. Mặc dù ngành công nghiệp này vẫn tồn tại, nhưng 'dấu ấn' để lại là không hề nhỏ.
"Nga hiểu rõ ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương tại thời điểm này. Theo quan điểm của chúng tôi, Nga đã nhắm mục tiêu vào các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ", ông Ryan Fitzmaurice, chiến lược gia năng lượng tại Rabobank cho biết.
'Bị cuốn vào trong cuộc chiến'
Ả Rập Xê Út đã trả đũa Nga bằng cách phát động cuộc chiến về giá vào cuối tuần. Nước này đã chính thức giảm giá bán dầu vào tháng Tư từ 6 USD xuống còn 8 USD và cam kết sẽ đẩy mạnh sản xuất, hoàn toàn ngược lại với những gì cần thiết.
Saudi Aramco tuyên bố sẽ bơm 12,3 triệu thùng mỗi ngày trong tháng Tư. Không chỉ cao hơn 27% so với mức gần đây, mà nó còn vượt quá công suất tối đa 300.000 thùng của công ty.
"Có một cuộc thi về bản lĩnh giữa Nga và Ả Rập và mọi người khác đang bị cuốn vào nó", ông Michael Tran, giám đốc chiến lược năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets cho biết.
Nga và các công ty dầu mỏ của họ đã mất kiên nhẫn với những nỗ lực của OPEC về việc tái cân bằng thị trường dầu mỏ. Trong nhiều năm, Nga đã tham gia OPEC trong việc cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, mỗi lần cắt giảm sản lượng đã buộc Nga phải nhượng lại thị phần cho ngành công nghiệp năng lượng đang bùng nổ của Mỹ.
Rosneft, công ty dầu mỏ của Nga, cho rằng những quyết định của liên minh OPEC đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ phát triển mạnh.
Trả đũa cho các biện pháp trừng phạt?
Ngoài cuộc chiến thị phần, các nhà phân tích cho rằng Nga có thể đang trả đũa cho chiến dịch trừng phạt năng lượng gần đây của Washington. Chỉ ba tuần trước, chính quyền ông Donald Trump đã tuyên bố các lệnh trừng phạt đối với một công ty con của Rosneft để đáp lại sự ủng hộ của họ đối với chế độ Maduro tại Venezuela.
"Chiến lược của Nga dường như đang nhắm mục tiêu không chỉ đơn giản là các công ty dầu đá phiến của Mỹ mà còn là chính sách trừng phạt cưỡng chế của Mỹ trong thời gian gần đây", ông Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets cho biết.
Ông Croft cho biết, Igor Sechin, CEO của Rosneft và là một người bạn thân của ông Putin, dường như đã thuyết phục Moscow tiếp cận với ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ.
"Giống như ông Putin, Igor Sechin đến từ các cơ quan tình báo Nga và là một người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ. Do đó, việc giảm bớt sự thống trị về năng lượng của Mỹ chính là mục tiêu hàng đầu của Igor Sechin vào lúc này", ông Croft nói.
Ngoài ra, Nga cũng có lợi thế về tài chính lớn hơn so với Ả Rập Xê Út. Nga chỉ dựa vào doanh thu từ dầu mỏ với 37% ngân sách, so với 65% của Ả Rập Xê Út, theo Argus Global Markets.
Ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu tại Rystad Energy cho biết, "Mọi bên đều sẽ bị tổn thương bởi điều này, bao gồm cả Nga. Tuy nhiên, lợi ích từ quyết định này đó chính là nó sẽ làm tổn thương cả Mỹ".
Các quan chức ở Washington đã lưu ý về sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết trong một tuyên bố tối thứ Hai rằng "một số thành phần" đang cố gắng "thao túng và gây sốc" cho thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, chính quyền bày tỏ sự tin tưởng rằng Mỹ hoàn toàn "có thể và sẽ chịu được sự biến động này".
Trong cuộc họp hôm thứ Hai với đại sứ Nga Anatoly Antonov, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã "nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự trên thị trường năng lượng".
Một bộ "phim kinh dị" cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ
Cuộc chiến về giá dầu đã đến vào thời điểm tồi tệ nhất cho Mỹ khi ngành công nghiệp dầu mỏ nước này đang phải chịu đựng một áp lực lớn trong thời gian gần đây.
Big Oil đã bị các nhà đầu tư xa lánh trong nhiều năm vì tình trạng nguồn cung, chi tiêu quá mức và mối lo ngại về biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng. Ngành năng lượng đang là 'kẻ thua cuộc' lớn nhất trong S&P 500 vào năm ngoái cũng như trong cả thập kỷ qua.
Không chỉ vậy, dịch COVID-19 còn đặt ra một thách thức thậm chí còn sâu sắc hơn đối với ngành công nghiệp dầu mỏ. Vô số chuyến bay bị hủy, nhà máy bị đóng cửa và đi lại hạn chế đã làm suy yếu nghiêm trọng nhu cầu về dầu của thế giới. Nhu cầu về dầu trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm lần đầu tiên trong năm nay kể từ 2009, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
"Hai tháng qua là một bộ phim kinh dị cho các nhà đầu tư năng lượng. Chúng tôi đang đối mặt với cả cú sốc về cầu (do COVID-19) và cú sốc về cung (sự cố OPEC+) trong cùng một lúc. Nói cách khác, hiện đang có 2 ông kẹ, chứ không phải là 1", ông Stewart Glickman, nhà phân tích năng lượng tại CFRA Research cho biết.
Ai sẽ là bên lùi bước trước?
Các ngân hàng có mối quan hệ mật thiết với ngành năng lượng cũng bị tổn hại vào ngày thứ Hai, khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho một làn sóng vỡ nợ không thể tránh khỏi.
Trong khi đó, các công ty dầu đá phiến có bảng cân đối kế toán yếu nhất sẽ phải tiết kiệm tiền mặt bằng cách từ bỏ các dự án khoan dầu tốn kém và các kế hoạch đào tạo công nhân của họ. Một số công ty dầu mỏ thậm chí sẽ không còn tồn tại.
"Những công ty này vốn đã chịu đau đớn từ trước. Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy những vụ phá sản và có lẽ nó sẽ lan rộng hơn", ông Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại công ty nghiên cứu năng lượng ClipperData cho biết.
Câu hỏi lớn được đặt ra đó chính là giá dầu có thể duy trì trong bao lâu và mức giá thấp nhất mà nó có thể sụt giảm. Và câu trả lời có thể nằm ở Riyadh và Moscow.
Một nguồn tin liên quan đến các cuộc thảo luận giữa OPEC và Nga nói rằng những nỗ lực đã được thực hiện để khôi phục đối thoại sau rạn nứt nghiêm trọng vào thứ Sáu. Phát biểu trên kênh nhà nước Russia 24, Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak nói rằng "các cánh cửa không hề đóng" đối với thỏa thuận sản xuất cùng OPEC trong tương lai.
Nếu cuộc chiến giá dầu của Ả Rập Xê Út buộc Nga phải đồng ý cắt giảm sản lượng, thị trường dầu mỏ có thể nhanh chóng hồi phục, mang lại sự cứu trợ cho các công ty dầu mỏ của Mỹ. Tuy nhiên ông Putin lại được biết đến vì sự bản lĩnh của mình, qua đó cảnh báo ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ nên chuẩn bị cho nhiều 'nỗi đau' hơn phía trước.