Tỉnh Bến Tre:
Câu chuyện liên kết xuất khẩu giữa người dân và doanh nghiệp
Việc liên kết xây dựng vùng trồng được doanh nghiệp (DN) quan tâm là tín hiệu đáng mừng đối với nhà vườn cũng như với sự phát triển của ngành Dừa tỉnh Bến Tre. Chỉ tính riêng dừa uống nước đã có hơn 20 DN tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng (MSVT), mã đóng gói xuất khẩu.
Toàn tỉnh Bến Tre đã xây dựng chuỗi dừa, với quy mô khá lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh tham gia. Chỉ tính riêng dừa uống nước đã có hơn 20 DN tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng (MSVT), mã đóng gói xuất khẩu. Trong đó, Giồng Trôm có vùng trồng dừa uống nước trọng điểm, với 6 DN tham gia.
Việc liên kết xây dựng vùng trồng được DN quan tâm là tín hiệu đáng mừng đối với nhà vườn cũng như với sự phát triển của ngành dừa địa phương. Tuy nhiên, trước thực trạng liên kết lỏng lẻo, “bẻ gãy” hợp đồng (HĐ) thu mua từ một trong hai bên còn diễn ra đã đặt vấn đề về giải pháp cấp thiết cho các HĐ liên kết, đảm bảo tính chặt chẽ, bền vững.
Tiếng nói từ doanh nghiệp
Liên quan đến câu chuyện trên, ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Mekong (Châu Thành) cho biết, công ty cam kết mua 100% sản lượng dừa của nhà vườn có liên kết. Thực tế thời gian qua, công ty đã không bỏ rơi một nhà vườn nào. Ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19, công ty vẫn cố gắng thu mua của người dân, bởi yếu tố uy tín trong liên kết của DN với người dân là rất quan trọng. “Vấn đề này, yếu tố chính quyền cực kỳ quan trọng trong công tác định hướng, tháo gỡ khó khăn và khách quan giải quyết đúng để mối liên kết phát triển bền vững. Nếu định hướng sai thì xem như đang phá vỡ các liên kết”, ông Bùi Dương Thuật khẳng định.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre - Betrimex (Giồng Trôm) là một trong những DN có tổ chức liên kết với nhà vườn, hợp tác xã (HTX) trồng dừa đầu tiên trên địa bàn tỉnh, đối với lĩnh vực dừa nguyên liệu và được người dân tin tưởng hợp tác lâu dài đến nay. Đại diện công ty chia sẻ, công ty có chính sách thu mua dài hạn cho nông dân được thực hiện từ tháng 6-2023, tại xã Hưng Lễ và Thạnh Phú Đông. Giá cả được đồng thuận từ hai phía. Số hộ ban đầu tham gia chính sách này trên 230 hộ.
Nếu trước đó giá dừa bên ngoài thị trường từ 50 - 60 ngàn đồng/chục, Công ty Betrimex thu mua cho hộ dân 70 ngàn đồng/chục. Theo chính sách này, nhà vườn còn được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và có lịch trình thu hoạch, báo giá và sản lượng cụ thể đảm bảo phù hợp yêu cầu sản xuất của công ty từng thời điểm. Hiện giá dừa thị trường có tăng cao, liên kết của nhà vườn và công ty vẫn đang thực hiện tốt.
Câu chuyện ở đây không chỉ muốn nói về một chính sách tốt cho nhà vườn mà vấn đề là sự gắn kết đi đường dài cùng nhau, chia sẻ hài hòa lợi ích và xây dựng niềm tin cùng nhau phát triển theo hướng ổn định lâu dài, bền vững. Như vậy, giải quyết được vấn đề “bẻ gãy” liên kết khi giá cả bên ngoài biến động. Năm 2024, ngoài xã Hưng Lễ và Thạnh Phú Đông, công ty sẽ mở rộng liên kết thêm các vùng còn lại trên địa bàn.
Trách nhiệm từ hai phía
Nhắc lại vai trò của chính quyền địa phương, Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Nguyễn Bảo Trí cho hay: Câu chuyện thị trường xuất khẩu tới đây là sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, DN không thể trực tiếp và bao quát quản lý tất cả vườn dừa của người dân trong vùng trồng có đảm bảo duy trì tiêu chuẩn hữu cơ hay không. Do đó, DN rất cần sự quan tâm quản lý của các tổ chức ở địa phương, HTX. Về điều kiện sản xuất của các HTX như mặt bằng sản xuất, nhà xưởng, ông Nguyễn Bảo Trí cho rằng rất cần sự chung tay của các DN tham gia liên kết.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre, Huỳnh Quang Đức khẳng định, câu chuyện tổ chức sản xuất tốt tại địa phương là hết sức quan trọng, đòi hỏi chính quyền các địa phương tổ chức xây dựng liên kết chặt chẽ. Thời gian qua, việc liên kết giữa nhà vườn, HTX và DN còn nhiều hạn chế là do sự thiếu quan tâm sâu sát từ phía chính quyền, sự thiếu kinh nghiệm của người dân trong thực hiện các HĐ ký kết, dẫn đến nội dung ràng buộc trong HĐ thiếu rõ ràng, cụ thể. Yếu tố quyết định cho sự phát triển phải có trách nhiệm đến từ hai phía.
Do đó, nếu một trong hai bên không thực hiện đúng ràng buộc đã thỏa thuận ký kết thì bên kia có quyền yêu cầu bên còn lại đáp ứng hoặc dứt khoát giải quyết các mâu thuẫn theo HĐ, thậm chí cắt HĐ và tiến hành ký kết HĐ mới với đối tác khác.
Ông Huỳnh Quang Đức lưu ý, đối với nhà vườn, HTX cần có động thái đúng đắn, dứt khoát, rõ ràng trong các HĐ. Với vai trò chủ thể, nhà vườn, HTX có quyền hủy HĐ với DN nếu DN không thực hiện đúng theo nội dung đã thỏa thuận, ký kết.
Đây cũng là một kinh nghiệm thực tế từ câu chuyện liên kết nông sản tại huyện Bình Đại mà thời gian qua đã diễn ra với trái xoài, trái nhãn. Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bình Đại, để đảm bảo tiêu thụ nông sản theo HĐ của các nhà vườn đã ký kết, cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương, sâu sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong liên kết. Chính quyền địa phương đã phát hiện trường hợp DN chỉ xây dựng MSVT nông sản, khi được cấp MSVT thì lại bỏ ngỏ nhà vườn, không thu mua theo HĐ. Qua nhiều lần yêu cầu, DN không đáp ứng được, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các HTX hủy bỏ HĐ để HĐ với đối tác khác và thông báo về Sở NN&PTNT để hủy bỏ MSVT đã cấp cho DN trước đó.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức: “Đối với MSVT, yêu cầu phía người dân, HTX có trách nhiệm tuân thủ sản xuất đúng tiêu chuẩn, tổ chức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu liên kết tập trung, ổn định lâu dài. DN phải đảm bảo thu mua cho nhà vườn, HTX trong vùng trồng, tránh trường hợp xây dựng rồi bỏ ngỏ. Đối với trường hợp DN không thực hiện đúng HĐ, HTX hoàn toàn có thể chủ động duy trì hoặc chấm dứt liên kết với DN đó, ký kết HĐ với DN khác để ổn định tiêu thụ sản phẩm và thông báo về Sở NN&PTNT có giải pháp xử lý kịp thời, hoặc hủy cấp chứng nhận MSVT đối với DN đó”.