Bến Tre ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến dừa

Khánh Chi

Trong những năm qua, tỉnh Bến Tre đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm gia tăng mạnh mẽ số lượng cũng như chất lượng các sản phẩm dừa, nâng cao uy tín sản phẩm dừa trên thị trường trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của Tỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa của tỉnh Bến Tre tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 là 11,93%/năm.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa của tỉnh Bến Tre tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 là 11,93%/năm.

Đồng bộ các giải pháp để nâng cao chuỗi giá trị trong chế biến dừa

Để hỗ trợ ngành dừa phát triển, tỉnh Bến Tre đã ban hành Chương trình phát triển ngành dừa đến năm 2020 với mục tiêu gia tăng năng suất, sản lượng dừa và thu nhập của người trồng dừa; đảm bảo cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; thúc đẩy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp chế biến và nâng cao chuỗi giá trị trong chế biến dừa, góp phần thúc đẩy ngành dừa phát triển nhanh và bền vững.

Đồng thời, Tỉnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 05/8/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

Với chủ trương của Tỉnh là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tập trung vào hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển, gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là khoa học ứng dụng, thực nghiệm để áp dụng vào sản xuất.

Tỉnh Bến Tre đã tập trung xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trên cơ sở gắn sát nhu cầu thị trường, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo mô hình hợp tác, hợp tác xã kiểu mới.

Tỉnh Bến Tre cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tiếp cận các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở do doanh nghiệp chủ trì thực hiện; hỗ trợ đầu tư các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2018, Bến Tre có 07 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước, 12 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh và 07 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở được triển khai với tổng kinh phí là 155 tỷ đồng, trong đó, trung ương hỗ trợ 33,13 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoa học địa phương khoảng 12 tỷ, còn lại là phần vốn đối ứng của doanh nghiệp và của người dân.

Ngoài ra, đã cho vay lãi suất ưu đãi 08 dự án, với tổng số vốn cho vay là 15 tỷ đồng, thu hút đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ trên 140 tỷ đồng để triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất trên địa bàn Tỉnh.

Đặc biệt, có 04 hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa 02 doanh nghiệp khoa học và công nghệ ngành dừa của Tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước được ký kết, góp phần tạo ra các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm từ dừa có giá trị gia tăng cao.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tăng trưởng 11,93%/năm

Nhờ triển khai những giải pháp trọng tâm trên, Theo Sở khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre, sản phẩm ngành dừa được nâng cao cả về năng suất và chất lượng.

Cụ thể, trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, kết quả nghiên cứu đã tạo ra và ứng dụng thành công thiết bị sấy chỉ xơ dừa tự động 5 tấn/ngày; máy tách vỏ dừa công suất 800-1.000 quả/giờ; máy gọt vỏ nâu cơm dừa; dây chuyền sản xuất bụi than thành than viên gáo dừa phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và bảo vệ môi trường; máy se chỉ xơ dừa tự động; máy se dây thừng chỉ xơ dừa không nối…

Trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ dừa, nhiều dự án triển khai thành công, tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao như mỹ phẩm từ dừa, thân thiện với môi trường (mặt nạ dưỡng da, mặt nạ collagen, dầu ủ tóc từ dừa, dầu gội từ dừa, nước rửa dưỡng da tay từ dầu dừa, giấy thấm dầu, dầu xua muỗi, son môi dừa…)

Các sản phẩm nổi bật như nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt; hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng nguyên liệu dừa hữu cơ phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Ngoài ra, nhiều sản phẩm từ dừa đã đạt được nhiều giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng như tranh giấy dừa, ống hút từ nước dừa, tinh dầu xua muỗi LOMOS từ dừa.

Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Tỉnh là 525 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 20.500 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp ngành dừa khoảng 133 doanh nghiệp với hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa (giá so sánh 2010) năm 2018 ước đạt 3.300 tỷ đồng, chiếm 12,34% giá trị sản xuất công nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm 2018 ước đạt 215,34 triệu USD, chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 là 11,93%/năm (cao hơn mục tiêu chương trình xuất khẩu của tỉnh 1,13%). Thị trường xuất khẩu dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng, đến nay đã xuất khẩu sang 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.