Chấm phá bất động sản Bắc – Nam quý III

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Trong báo cáo tình hình bất động sản quý III vừa qua, Savills cung cấp những số liệu, nhận định khá thú vị về hai đầu thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điển hình là vận động trái chiều ở hàng loạt các phân khúc như khách sạn, biệt thự và nhà liền kề hay căn hộ để bán. Đáng chú ý tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ để bán đã chậm lại.

Bất động sản phía Nam: phân khúc nhà liền kề chiếm 71% tổng lượng giao dịch.
Bất động sản phía Nam: phân khúc nhà liền kề chiếm 71% tổng lượng giao dịch.

Nguồn tư vấn Savills cho biết, địa ốc quý III tại TP. Hồ Chí Minh chứng kiến 6 dự án biệt thự/ nhà liền kề và giai đoạn mới của 5 dự án hiện hữu cung cấp thêm cho thị trường sơ cấp khoảng 1.100 căn. Theo đó, nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 3.800 căn, tăng 19% theo quý và 128% theo năm.

Biệt thự liền kề - điểm sáng phía Nam

Lượng giao dịch đã tăng 49% theo quý và 193% theo năm nhờ tình hình hoạt động tốt của những dự án mới. Trong đó, riêng phân khúc nhà liền kề chiếm 71% tổng lượng giao dịch. Tỉ lệ hấp thụ đạt 32%, tăng 7 điểm phần trăm theo quý và 8 điểm % theo năm.

Theo địa bàn, quận 2 và quận 9 tiếp tục đạt tình hình hoạt động tốt nhất trong quý này, chiếm tới 51% tổng lượng giao dịch. Savills nhận định, hạ tầng phát triển và qui hoạch đô thị tốt đã hỗ trợ tình hình bán hàng tại khu Đông. Những dự án có chủ đầu tư uy tín, giá bán sản phẩm hợp lí và đa dạng tiện ích vẫn là những yếu tố chính thu hút người mua.

Ở trạng thái không nhiều đột biến, phân khúc biệt thự – nhà liền kề tại thị trường Hà Nội 3 tháng qua chỉ được tóm tắt ở tình hình nguồn cung mới gia tăng. Cụ thể, tổng nguồn cung phân khúc này đạt 33.500 căn (bao gồm 2.300 sơ cấp và 31.200 thứ cấp) – tăng 3% theo quý và 10% theo năm.

Thị trường ghi nhận 3 dự án mới và nguồn cung bổ sung từ một dự án hiện tại cung cấp tổng cộng 209 căn. Địa bàn Hà Đông tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 26% thị phần. Quý III vừa qua cho thấy hơn 241 giao dịch (giảm 10% so với quý trước), 64% giao dịch là nhà liền kề. Dẫn đầu thị trường quý này là quận Hoàng Mai (23%) và Hà Đông với 20% trên tổng khối lượng giao dịch.

Ngoài ra, dòng sản phẩm shophouse tiếp tục được quảng bá mạnh mẽ bởi chủ đầu tư và tỏ ra hấp dẫn khách hàng hơn với xu hướng hoàn thiện một phần trước khi mở bán. Dự báo quý IV, hơn 800 căn sẽ được bán ra thị trường, chủ yếu là ở quận Hà Đông.

Một điểm đáng lưu ý ở phân khúc căn hộ để bán tại thị trường phía Bắc là khối lượng giao dịch và nguồn cung đã chậm lại. Savills thống kê, trong quý III, tổng nguồn cung sơ cấp đạt 17.000 căn, giảm –2% theo quý nhưng tăng 16% theo năm.

13 dự án mở bán thêm và 10 dự án mở bán mới đã cung cấp 5.700 căn, giảm –6% theo quý. Về giao dịch, khoảng 5.700 căn bán được, giảm –6% theo quý và –15% theo năm. Hạng B ghi nhận khối lượng bán cao nhất trong 6 quý liên tiếp, chiếm 51% tổng số căn bán được. Tỷ lệ hấp thụ đạt 33%, giảm –2 điểm % theo quý nhưng giá chào bán trung bình ổn định.

Gian nan bán lẻ – khách sạn

Thị trường Hà Nội quý III cho thấy sự cạnh tranh gay gắt và công suất giảm lần lượt ở phân đoạn bán lẻ và khách sạn.

Điển hình, cạnh tranh gia tăng và giá thuê giảm tại thị phần bán lẻ trong quý vừa qua. Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ đạt khoảng 1,2 triệu m2, tăng 3% so quý trước và 23% so với cùng kỳ năm trước do sự gia nhập thị trường của 2 khối đế bán lẻ với nguồn cung 32.800 m2.

Theo Savills thống kê, giá thuê trung bình tầng trệt giảm tại tất cả các loại hình bán lẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy bình quân tăng 1,9 điểm % theo quý (nhưng giảm –2,7 điểm % theo năm). Đồng thời, tỷ lệ lấp đầy của trung tâm bách hóa giảm –1,3 điểm % theo quý trong khi cả trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ đều tăng lần lượt 2,6 điểm % và 2,1 điểm % theo quý.

Từ các số liệu, nhà tư vấn quốc tế tổng kết, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài buộc một số dự án tiếp tục cải tạo và tái cơ cấu mặt bằng bán lẻ.

Ở diễn biến còn lại, mùa mưa ảnh hưởng đến hoạt động thị trường khách sạn Hà Nội. Theo Savills, nguồn cung thị trường khách sạn Hà Nội giảm –5,2% theo quý do Tổng cục Du lịch quyết định thu hồi xếp hạng 3 sao của 9 khách sạn và hầu như không đổi theo năm. Đáng chú ý, công suất trung bình giảm –2 điểm % theo quý do ảnh hưởng của mùa mưa (nhưng tăng 4 điểm % theo năm).

Giá phòng bình quân (ARR) tăng 4% theo quý và 12% theo năm. Doanh thu trên mỗi phòng có sẵn (RevPAR) tăng 0,8% theo quý và 20% theo năm. Tham chiếu từ Cục Thống kê Hà Nội, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 1,4 triệu lượt trong quý III/2016 và 2,9 triệu lượt trong 9 tháng đầu năm 2016 – tăng 28% theo năm.

Khá thú vị, phân khúc khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh lại chứng kiến lượng khách quốc tế tăng trong mùa mưa. 3 tháng vừa qua, 1 khách sạn 3 sao với 72 phòng trở lại thị trường sau khi hoàn tất nâng cấp sửa chữa, trong khi đó, một khách sạn 3 sao khác sửa chữa 54 phòng. Tổng nguồn cung đạt hơn 15.400 phòng từ 125 dự án, ổn định theo quý và tăng 8% theo năm. Công suất cho thuê phòng xấp xỉ 65%, tăng 1 điểm % theo quý và 3 điểm % theo năm.