BHXH Việt Nam:
Chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động tại Làng trẻ em SOS Việt Nam
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3085/BHXH - CSXH về việc chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với giáo viên mầm non, các bà mẹ, bà dì thuộc Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Công văn số 3085/BHXH-CSXH nêu rõ, báo cáo của BHXH một số tỉnh, thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh sai sót trong công tác thu, ghi sổ BHXH đối với giáo viên mầm non có thời hạn truy thu BHXH theo hướng dẫn tại Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004, Công văn số 1865/LĐTBXH-BHXH ngày 29/5/2013, Công văn số 3658/BHXH-BT và đối với các bà mẹ, bà dì thuộc Làng trẻ em SOS Việt Nam có thời gian đóng và truy đóng BHXH theo Công văn số 3408/BHXH-BT ngày 7/10/2015 dẫn đến sai sót trong giải quyết chế độ BHXH.
Cụ thể, tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định sai thành đối tượng hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, điều chỉnh tiền lương hàng tháng đã đóng BHXH không đúng quy định.
Trước tình trạng trên, để đảm bảo thực hiện chế độ chính sách BHXH đúng quy định, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện đúng các nội dung chỉ đạo của BHXH Việt Nam tại các văn bản: Công văn số 4184/BHXH-CSXH ngày 22/9/2017 về việc chấn chỉnh công tác thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; Công văn số 560/BHXH-CSXH ngày 13/2/2018 về việc chấn chỉnh công tác giải quyết hưởng BHXH một lần.
Đối với trường hợp chưa bàn giao sổ, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố rà soát sổ BHXH của giáo viên mầm non đang làm việc. Đối với trường hợp đã bàn giao sổ, BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ cơ sở dữ liệu thu trong chương trình quản lý và hồ sơ đã giải quyết hưởng chế độ BHXH của giáo viên mầm non thuộc đối tượng truy thu và ghi sổ BHXH theo Công văn số 2150/GDĐT - BHXH, Công văn số 1865/LĐTBXH - BHXH và Công văn 3658/BHXH-BT để kiểm tra việc truy thu, ghi và xác nhận tiền lương đóng BHXH với chức danh nghề theo đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Cùng với đó, cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố rà soát toàn bộ việc đóng, truy đóng, ghi sổ BHXH và tính hưởng chế độ BHXH của các bà mẹ, bà dì thuộc Làng trẻ em SOS Việt Nam theo hướng dẫn tại Công văn số 3408/BHXH-BT. Đối với các sổ BHXH bảo lưu thời gian tham gia BHXH chưa có trong cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc, thì phải kiểm tra đối chiếu, rà soát trước khi nhập dữ liệu và giải quyết chế độ BHXH.
Trong quá trình rà soát, kiểm tra, đối chiếu phát hiện sai sót phải điều chỉnh lại theo đúng quy định, sai sót ở khâu nghiệp vụ thì Giám đốc BHXH tỉnh phải chỉ đạo khắc phục kịp thời. Việc khắc phục phải khẩn trương, đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền và không đẩy trách nhiệm về phía người lao động hoặc đơn vị sử dụng lao động.
Bên cạnh triển khai các nội dung trên, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp xử lý khi có khiếu kiện xảy ra; không để ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của Ngành; Tổ chức gặp gỡ, đối thoại, giải thích để từng người lao động nắm được và phối hợp thực hiện đúng theo quy định của chính sách…
Đồng thời, tăng tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm trong công việc đối với cán bộ thực hiện các nghiệp vụ về BHXH, đảm bảo giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động đúng quy định, không để xảy ra sai sót.