Cơ hội mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội
Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 28-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII là đến năm 2020, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội của ngành BHXH trong thời gian tới.
Trách nhiệm không chỉ của riêng một ngành
Trong thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Độ bao phủ BHXH tăng chậm, chưa hướng đến BHXH toàn dân, sự kết nối giữa các chính sách BHXH và các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ; BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia...
Để khắc phục tình trạng này, nhằm từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, ngày 23/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII (Nghị quyết số 28) về cải cách chính sách BHXH.
Việc Đảng, Nhà nước cải cách, mở rộng chính sách BHXH chính là mở ra thêm cơ hội cho toàn dân tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội và “Hướng tới BHXH toàn dân”. Tuy nhiên, đi cùng với đó là rất nhiều khó khăn, thách thức được đặt ra.
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, việc Trung ương ban hành Nghị quyết 28-NQ/TƯ vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức cho các bộ, ngành nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong việc hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật hướng tới thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân.
Trong đó thách thức chính là Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thực hiện chính sách BHXH và cũng đã nỗ lực rất nhiều nhưng qua tổng kết 30 năm đổi mới cho thấy, đây là quan điểm rất lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng tại sao đến nay mới bao phủ được 29% lực lượng lao động tham gia vào hệ thống BHXH.
Như vậy, an sinh xã hội trong tương lai đối với 54 triệu lao động hiện nay ra sao, khi sau 20 năm nữa họ sẽ hết tuổi lao động. Dù chính sách lương hưu thực hiện tốt như vậy, nhưng tại sao xu hướng người dân tham gia BHXH với tốc độ chậm, cũng chính là những thách thức cho hệ thống ASXH của đất nước.
Triển khai chính sách đa tầng
Phân tích kỹ hơn về cơ hội của ngành BHXH, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Nghị quyết 28-NQ/TƯ đã mở ra thời kỳ mới để mọi người dân đều được tham gia vào hệ thống BHXH, mô hình BHXH từ đơn tầng sang đa tầng.
Theo đó, tầng thứ nhất là trợ cấp xã hội cho người già do Nhà nước hỗ trợ; tầng thứ hai là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện để mở rộng bao phủ BHXH đối với người dân; tầng thứ ba là bảo hiểm hưu trí tự nguyện theo hướng người có điều kiện đóng cao hơn thì khi về hưu có lương hưu cao hơn.
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, điều cốt lõi là chúng ta phải làm chuyển biến nhận thức của người dân về tính ưu việt trong chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội.
Đồng thời, phải làm sao để người dân nhận thức được rằng, tham gia vào hệ thống an sinh xã hội không chỉ là quyền mà còn trách nhiệm của người dân đối với xã hội”.
Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam TS. Nguyễn Thị Minh, hiện tỷ lệ người dân tham gia BHXH còn thấp do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.
Trong điều kiện nhất định, Nghị quyết 28 đã điều chỉnh lộ trình thực hiện phù hợp do đó làm sao để mỗi người dân nhận thức rõ về tính ưu việt, quyền lợi chế độ của chính sách này, thì việc thực hiện mới thành công.
Để có thể tiệm cận được với mục tiêu mà Nghị quyết 28 đã đặt ra, theo TS. Nguyễn Thị Minh, BHXH Việt Nam sẽ tham mưu để hoàn thiện chính sách tạo ra tầng đế thật vững, đế vững thì phải rất rộng nhưng mức đóng có thể thấp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Phấn đấu ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ với điện thoại thông minh, người dân có thể tham gia BHXH, đọc các chính sách BHXH.