Chấn chỉnh công tác kiểm tra, không để xảy ra thất thoát vốn khi cổ phần hóa

BD

Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ra tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được tổ chức sáng ngày 21/11, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.

DNNN là công cụ quan trọng bảo đảm ổn định vĩ mô

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, đã ban hành 13 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Quyết định và 01 công văn chỉ đạo từ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, trình tự CPH, thoái vốn… chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.

Về phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN, tính đến hết tháng 9/2018, mới có 35/583 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại; Theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017-2020 CPH 127 DN (năm 2016 cả nước CPH được 66 DN; Năm 2017 đã CPH 69 DN; 11 tháng đầu năm 2018 đã CPH 12 DN). Như vậy, đến nay đã CPH được 27/127 DN trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/QĐ-TTg chiếm 21%.

Về tình hình thực hiện thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái 406 danh mục, khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN. Trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 11/2018, cả nước đã thoái được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến ngày 18/11/2018, đã chuyển 135.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Đối với việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công thương bao gồm 12 dự án, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết,đến tháng 8/2018, có 02 dự án bước đầu hoạt động có lãi là Dự án DAP số 1 – Hải Phòng, Nhà máy Thép Việt – Trung; 04 dự án đang từng bước khắc phục khó khăn là Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Đạm DAP số 2 – Lào Cai, Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV công nghiệp Tàu thủy Dung Quất; 03 dự án còn đang khó khăn như Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước, dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Riêng dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn, xem xét phương án giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật. Còn đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang triển khai bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng hóa tồn kho. Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã thu về cho Quỹ Sắp xếp và phát triển DN 1.000 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Thông tin về tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017, theo báo cáo của 562 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì: Tổng vốn chủ sở hữu tại các DNNN là 1.326.699 tỷ đồng; Tổng tài sản là 3.001.117 tỷ đồng; Tổng doanh thu đạt 1.598.742 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 167.039 tỷ đồng; Tổng số nộp ngân sách của các DN là 219.468 tỷ đồng.

Trong 06 tháng đầu năm 2018, theo báo cáo của 47 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thì: Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm: 691.508 tỷ đồng; bằng 70% so với kế hoạch năm 2018 (981.879 tỷ đồng). Lãi phát sinh trước thuế 6 tháng đầu năm: 68.668 tỷ đồng; bằng 71% so với kế hoạch năm 2018 (96.170 tỷ đồng). Thuế và các khoản phát sinh phải nộp NSNN 6 tháng đầu năm: 102.357 tỷ đồng; bằng 71% so với kế hoạch năm 2018 (144.113 tỷ đồng).

Các DN sau CPH nhìn chung có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Trong năm 2017, theo báo cáo của 294 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước thì tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần là 543.858 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2016; Vốn chủ sở hữu theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần năm 2017 là 210.035 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016; tổng doanh thu đạt 482.545 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016...

Đánh giá kết quả đạt được cho thấy DNNN thực sự là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho NSNN. Đối với CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN tiếp tục khẳng định CPH là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình CPH

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN đề ra theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ (đến nay mới có 35 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại).

Bên cạnh nguyên nhân khách quan như diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, thương mại của khu vực và thế giới thì các nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân chính. Điển hình như một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện CPH. Trong đó, việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu ra các giải pháp cần thực hiện đồng bộ, như: Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, CPH, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN và DN có vốn nhà nước; Kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước; Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại DN; Trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm; Bổ sung danh mục thanh tra đối với các DN chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DN nhà nước sang công ty cổ phần; Định kỳ công bố công khai thông tin về CPH, thoái vốn DN nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ CPH, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.