Chặn đầu cơ, đẩy giá lúa gạo tăng bất hợp lý

Trần Huyền

Trong bối cảnh giá lúa gạo tăng cao, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ngăn chặn hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, trục lợi, đẩy giá tăng bất hợp lý là cần thiết để đảm bảo bình ổn thị trường.

7 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo. Ảnh: internet
7 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo. Ảnh: internet

Giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới

Thời gian qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như: Lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; diễn biến địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)...

Bối cảnh trên đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo toàn cầu, làm quan ngại về các vấn đề an ninh lương thực thế giới cũng như ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia khi tình trạng lạm phát chưa được cải thiện.

Tại Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Số liệu của Liên Bộ Công Thương - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo. Như vậy, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.

Đặc biệt, giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới và cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 16 USD/tấn. Ngoài loại gạo tiêu chuẩn 5% tấm, các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao và gạo 25% tấm của cả hai nguồn cung chính này đều ở mức cao.

Bình ổn giá thóc, gạo trong nước

Giá gạo xuất khẩu tăng cao cũng kéo theo giá gạo trong nước liên tục tăng. Theo Bộ Công Thương, giá thóc gạo trong nước trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023. Giá một số chủng loại như: IR50404, gạo OM5451, gạo Đài Thơm đều tăng.

Lo ngại về hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá tăng để trục lợi, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong "rổ" tính giá CPI. Chính vì vậy, làm sao phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân.

Theo ông Vũ Vinh Phú, gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ. Do đó, Chính phủ cùng với doanh nghiệp, người dân cần tính tới và chung tay kiểm soát.

Về vấn đề này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các doanh nghiệp cần lưu ý, sự biến động về giá này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống và trở về mức cân bằng. Mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt giây”.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, trước việc giá gạo xuất khẩu thế giới và trong nước đang rất “nóng” sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước thì các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo tại thị trường trong nước rất có thể sẽ xảy ra. Vì vậy, cần "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Liên quan tới những diễn biến của thị trường gạo thế giới và trong nước những ngày gần đây, Bộ Công Thương đã liên tục có những chỉ thị, giải pháp giữ ổn định thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, không để xảy ra tình trạng găm hàng, sốt giá.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm; chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết. 

Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương để theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước.