Chàng doanh nhân trẻ học tập và làm theo lời Bác
Anh Trương Hoàng Ký (SN 1997, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hoàng Ký, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) là một doanh nhân trẻ. Anh luôn phấn đấu, nỗ lực, vươn lên từ những khó khăn để phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
Năm 2019, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Tây Nguyên, với mong muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, đầu năm 2020 chàng trai Trương Hoàng Ký đã chọn khởi nghiệp với mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo.
Những ngày đầu lập nghiệp, do anh chưa có kinh nghiệm trong kinh doanh cũng như sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, những mẻ nấm đầu tiên bị hỏng rất nhiều. Nấm cấy xong không phát triển hoặc khi phôi lên, cây nấm lại èo uột, lưa thưa. Vốn khởi nghiệp hạn chế nên anh chưa thể đầu tư được đầy đủ thiết bị, máy móc hiện đại, nhất là máy sấy thăng hoa. Do đó, mỗi đợt nấm cấy thành công, anh phải gửi đi TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) để sấy khiến chi phí tăng, song chất lượng sản phẩm không đồng đều, chất lượng chưa cao.
Sau những lần thất bại, anh Ký đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất, từ tỷ lệ phối trộn đến thời gian hấp, công đoạn cấy phôi, nhiệt độ, ánh sáng, môi trường nuôi dưỡng... Nhờ đó phôi cấy nấm đã dần ổn định và các lứa đông trùng hạ thảo liên tiếp thành công. Cùng với đó, anh đã tích lũy đầu tư được lò sấy thăng hoa. Từ đây, anh đã sản xuất được sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo hoàn chỉnh để đưa ra thị trường. Nhờ chất lượng bảo đảm, ổn định, sản phẩm do anh làm ra nhận được sự phản hồi rất tích cực, đến nay, các sản phẩm đông trùng hạ thảo của anh đã kết nối được với thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như được trưng bày tại nhiều hội chợ quốc tế.
Mặc dù công việc rất bận rộn, nhưng anh Trương Hoàng Ký vẫn dành thời gian để chia sẻ kiến thức về kinh doanh của mình cho những người đang mong muốn và có ý tưởng khởi nghiệp. Cùng với đó, với vốn tiếng Anh tương đối tốt, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ, kèm cặp các bạn học sinh, sinh viên để học tốt môn học này.
Tháng 9/2023 vừa qua, anh Ký cùng UBND phường Ea Tam đã khai trương, ra mắt điểm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Bên cạnh trưng bày sản phẩm của mình, điểm trưng bày của anh Ký còn kết nối được 30 sản phẩm của 12 chủ thể trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình, anh còn quan tâm, tạo điều kiện cho sinh viên đang theo học ở các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn có việc làm, kiếm thêm thu nhập, với tiền công 100.000 đồng/buổi. Đồng thời, anh còn tạo điều kiện cho phụ nữ đang chăm con nhỏ, không có việc làm ổn định, những người thu nhập thấp có cơ hội kinh doanh mà không cần bỏ vốn nhập hàng. Họ chỉ cần đăng bài giới thiệu sản phẩm trên trang cá nhân, nếu có khách hỏi mua anh sẽ gửi hàng hoặc chuyển tận nơi để họ giao cho khách. Ngoài ra, trong quá trình cắt kén lấy nhộng để làm nguyên liệu nuôi trồng đông trùng hạ thảo, nhận thấy kén nhộng cũng có thể bán được, thế là anh lại chỉ bày cho người nuôi nhộng gom vỏ kén để nhập lại cho các nhà máy may hoặc các xưởng may để có thêm thu nhập.
Cùng với nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, anh Trương Hoàng Ký đã tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Với những cố gắng và thành tích của mình, anh Ký được xem là thanh niên tiêu biểu của phường Ea Tam trong việc học tập và làm theo lời Bác. Sự thành công của anh đã "tiếp lửa" cho thanh niên địa phương mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế bằng những ngành nghề mới.
Nói về những dự định trong tương lai, anh Ký mong muốn sẽ mở ra nhiều hướng phát triển mới cho sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo, như xây dựng nhà máy sản xuất theo chuẩn quốc tế, gắn liền với bảo vệ môi trường và mở khu du lịch sinh thái chuyên đề. Đây cũng là cách để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương bên cạnh các mô hình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo ở các hộ nông dân, đoàn viên, thanh niên.