Chất lượng kiểm toán môi trường cần được nâng cao bằng các giải pháp đồng bộ
Trong bối cảnh bảo vệ môi trường và phát triển bền vững không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, kiểm toán môi trường (KTMT) được xem là công cụ hữu hiệu cho KTNN đạt được mục tiêu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong lĩnh vực môi trường.
Việc thực hiện kiểm toán môi trường vẫn còn nhiều hạn chế
Tại KTNN, KTMT chủ yếu được thực hiện lồng ghép nội dung liên quan đến môi trường trong các cuộc kiểm toán chuyên đề, cơ bản là kiểm toán tài chính kết hợp kiểm toán tuân thủ. Việc lồng ghép không mang tính liên tục, không rõ ràng về nội dung nên không thu hút được dư luận. Thậm chí, nội dung kiểm toán này có lúc được thực hiện dựa trên mức độ quan tâm và kinh nghiệm của một số đoàn kiểm toán, trưởng đoàn kiểm toán hay thủ trưởng đơn vị được kiểm toán.
Đối với các cuộc kiểm toán thực hiện trong giai đoạn này, KTNN đã từng bước đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, đây là những cuộc kiểm toán thiên về kiểm toán tài chính, cho nên, những đánh giá chưa tập trung nhiều vào các khía cạnh môi trường, chưa thể sử dụng làm cơ sở đưa ra các kiến nghị kiểm toán phục vụ mục đích bảo vệ môi trường. Thông qua việc áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực môi trường, các cuộc kiểm toán đã đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý môi trường, là xu hướng chung của KTMT quốc tế hiện nay. Tuy vậy, công tác tổ chức, triển khai thực hiện các cuộc KTMT thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế:
Một là, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu về kiểm toán lĩnh vực môi trường chưa đảm bảo chất lượng. KTMT là khái niệm mới ở Việt Nam, do đó, kinh nghiệm KTMT của kiểm toán viên (KTV) hầu như không có, các nội dung KTMT gần như không được đặt ra. Bên cạnh đó, sự không thống nhất trong nhận thức về KTMT dẫn đến cách nhìn khác nhau về chất lượng một cuộc kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực môi trường.
Hai là, cách thức tiến hành cuộc KTMT chưa nhất quán, còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của KTV, trong khi KTV chuyên nghiệp trong lĩnh vực này hầu như chưa có hoặc quá ít về số lượng cũng như kinh nghiệm. Các hướng dẫn về KTMT chưa được xây dựng, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện cũng như thẩm định, kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Ba là, việc xác định trọng yếu, rủi ro và xây dựng nội dung, tiêu chí của hầu hết các cuộc kiểm toán còn chưa chính xác, cụ thể. Khi thực hiện, KTV vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và xét đoán chuyên môn, khiến đơn vị được kiểm toán khó nhận diện tiêu chí.
Bốn là, báo cáo kiểm toán lĩnh vực môi trường nặng về đánh giá tính tuân thủ các cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành, chưa đưa ra những cảnh báo về ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của vấn đề này đối với phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là sức khỏe và đời sống của người dân.
Năm là, phát hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường chủ yếu chỉ ra những sai phạm, chưa đưa ra những kiến nghị mang tính tư vấn về giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường hữu hiệu và thiết thực cho đơn vị.
Sáu là, kiểm toán lĩnh vực môi trường chủ yếu thực hiện theo loại hình kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chưa đánh giá nhiều về tính kinh tế cũng như tác dụng kinh tế kép “giảm chi phí, tăng uy tín và hiệu quả hoạt động” của việc bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của đơn vị.
Bảy là, mức độ quan tâm của xã hội, dư luận về KTMT chưa cao, cho nên chưa tạo được áp lực đủ mạnh để KTNN phải đầu tư và phát triển mạnh mẽ KTMT…
Cần có giải pháp đồng bộ để nâng cao kiểm toán môi trường
Để nâng cao hiệu quả hoạt động KTMT, đưa nội dung này trở thành một trong những lĩnh vực trọng tâm của KTNN, nhằm đảm bảo định hướng của Chính phủ “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” cũng như bắt kịp xu hướng phát triển chung của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, KTNN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường năng lực về KTMT thông qua các hình thức như: hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo chuyên môn về môi trường, về KTMT trong nước và quốc tế; khuyến khích nghiên cứu khoa học về KTMT... Theo đó, công tác đào tạo cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đào tạo chuyên sâu về KTMT cho một nhóm KTV có kinh nghiệm, có mối quan tâm tới KTMT, từ đó lan tỏa trong toàn Ngành.
Thứ hai, hoàn thiện quy trình, hướng dẫn và hệ thống hồ sơ, mẫu biểu về KTMT, giúp KTV có định hướng, phương pháp tiếp cận và tiến hành thực hiện các cuộc KTMT theo từng giai đoạn kiểm toán của KTNN, cũng như đối với từng chủ đề, lĩnh vực KTMT cụ thể.
Thứ ba, bố trí nhân sự tham gia cuộc KTMT đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Đoàn kiểm toán cần có các KTV, chuyên gia giỏi có kiến thức tổng hợp và kinh nghiệm đầy đủ về các vấn đề môi trường, sự phát triển của quốc gia và quốc tế về môi trường, về loại hình kiểm toán được chọn. Trường hợp từng thành viên đoàn kiểm toán chưa đủ kiến thức tổng hợp, cần xem xét, lựa chọn các thành viên có kiến thức về nhiều khía cạnh khác nhau, đồng thời bổ sung thành viên là chuyên gia về chủ đề được kiểm toán để hỗ trợ chuyên môn.
Thứ tư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về KTMT một cách đầy đủ, chính xác và khoa học, giúp KTV thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán tiềm năng, hỗ trợ quá trình xây dựng Kế hoạch kiểm toán từng năm, cũng như kế hoạch kiểm toán trung và dài hạn; đồng thời, giúp KTV xác định trọng yếu và rủi ro, xây dựng nội dung, tiêu chí của cuộc kiểm toán có căn cứ và mang tính khả thi cao.
Thứ năm, nâng cao chất lượng các kiến nghị kiểm toán: Một báo cáo kiểm toán trong lĩnh vực môi trường được đánh giá là có chất lượng và đem lại giá trị gia tăng khi đưa ra được những kiến nghị giúp đơn vị được kiểm toán cải thiện công tác quản lý và bảo vệ môi trường, cảnh báo những tác động tiêu cực đối với môi trường trong tương lai.