Triển khai đồng bộ Nghị định số 186/2025/NĐ-CP để đảm bảo thống nhất quản lý tài sản công

Thùy Linh

Việc ban hành Nghị định số 186/2025/NĐ-CP đánh dấu bước hoàn thiện khung pháp lý quan trọng trong quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực nhà nước. Bộ Tài chính nhấn mạnh, các cơ quan cần tuyên truyền sâu rộng, đồng thời rà soát, điều chỉnh kịp thời các văn bản liên quan để bảo đảm đồng bộ và phù hợp với quy định mới.

Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương triển khai Nghị định 186/2025/NĐ-CP.
Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương triển khai Nghị định 186/2025/NĐ-CP.

Đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo thực hiện đồng bộ

Ngày 1/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 186/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nghị định này thay thế Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP và Nghị định số 50/2025/NĐ-CP, đồng thời có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành.

Nhằm bảo đảm việc thực thi hiệu quả, đồng bộ các quy định mới, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 10437/BTC-QLCS đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai Nghị định số 186/2025/NĐ-CP.

Trước hết, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến đầy đủ nội dung của Nghị định số 186/2025/NĐ-CP đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan để bảo đảm đối tượng chịu tác động nắm bắt kịp thời, chính xác các quy định.

Tiếp theo, cần tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và quy định liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công đã ban hành tại từng cơ quan, tổ chức, địa phương để sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với Nghị định mới.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các trách nhiệm đã được quy định. Trong đó, cần khẩn trương chỉ đạo rà soát, xây dựng và ban hành phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công như giao tài sản, khoán kinh phí, khai thác, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản; xử lý tài sản bị mất, hủy hoại; phê duyệt đề án liên quan đến tài sản công trong các dự án đầu tư công - tư; và thẩm quyền xử lý tài sản thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước.

Phân định rõ thẩm quyền quản lý

Đối với các thẩm quyền trong quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định theo quy định tại Nghị định số 186/2025/NĐ-CP thì trong thời gian Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quy định phân cấp thẩm quyền quyết định, thẩm quyền quyết định được thực hiện theo phân cấp hoặc quy định về thẩm quyền đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành trước ngày Nghị định số 186/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành; đối với các địa phương thực hiện sáp nhập, hợp nhất thì thực hiện theo phân cấp hoặc quy định về thẩm quyền của địa phương được giữ tên sau sáp nhập, hợp nhất.

Đối với các thẩm quyền trong quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định theo quy định tại Nghị định số 186/2025/NĐ-CP thì trong thời gian Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương chưa ban hành quy định phân cấp thẩm quyền quyết định, thẩm quyền quyết định được thực hiện theo phân cấp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương đã ban hành trước ngày Nghị định số 186/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được yêu cầu ban hành các quy định chuyên biệt về khấu hao, mua sắm, bán và đánh giá tài sản công đặc biệt, tài sản chuyên dùng trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần quy định rõ phân cấp thẩm quyền đối với tài sản công tại tổ chức trực thuộc, bao gồm việc khoán kinh phí, khai thác, xử lý tài sản, cũng như việc phê duyệt đề án đưa tài sản công vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Các cơ quan, đơn vị được yêu cầu khẩn trương rà soát việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công và xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào tài sản đơn vị theo quy định mới. Trường hợp chưa thực hiện theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP thì nay phải thực hiện theo Nghị định 186/2025/NĐ-CP.

Liên quan đến mua sắm tập trung, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát và giao nhiệm vụ cho đơn vị hiện có đảm nhiệm công tác mua sắm tài sản trong danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia (ban hành tại Thông tư số 69/2024/NĐ-CP) cũng như danh mục cấp Bộ, ngành, địa phương. Các đơn vị cũng cần xác định và công bố thời hạn tổng hợp nhu cầu mua sắm để đảm bảo công tác này được thực hiện kịp thời, minh bạch.

 

Việc triển khai nghiêm túc Nghị định số 186/2025/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng tài sản nhà nước một cách hợp lý, bền vững.