Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ hội nhập: Cơ hội và thách thức


Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu đặt ra đối với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đó là phải chuẩn bị lực lượng lao động để có thể đáp ứng và hưởng lợi từ các cam kết quốc tế. Mặc dù, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn cung lao động dồi dào và ổn định nhưng trước xu thế hội nhập cũng đã đặt Việt Nam trước nhiều cơ hội và thách thức mới.

Một số lợi thế

 Hiện nay, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, Việt Nam có khoảng 94 triệu lao động, trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng 55,16 triệu người. Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2018 ước tính là 54 triệu người, bao gồm 20,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 38,6%); khu vực công nghiệp và xây dựng 14,4 triệu người (chiếm 26,7%); khu vực dịch vụ 18,7 triệu người (chiếm 34,7%). 

Đồng thời, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm, cao hơn mức tăng 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015.

Song song với đó, chất lượng lao động Việt Nam trong những năm qua cũng đã từng bước được nâng lên; Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài…

 Khó khăn, thách thức đặt ra

Theo đánh giá của các chuyên gia, xu thế hội nhập sẽ kéo theo tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực sẽ rất cao, trong khi mức độ sẵn sàng của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn chậm. Cạnh tranh giữa nước ta với các nước trên thế giới trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng đòi hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải thiện đáng kể theo hướng tiếp cận được các chuẩn của khu vực và thế giới nhằm tăng cường khả năng công nhận văn bằng chứng chỉ giữa Việt Nam và các nước khác.

Không những thế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số sẽ làm cho lợi thế lực lượng lao động trẻ mất dần đi theo thời gian. Một vấn đề khác là nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng biến đổi khí hậu khiến một số ngành suy giảm mạnh và lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; Khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Đồng thời, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Khảo sát cho thấy, khả năng hòa nhập của học sinh, sinh viên Việt Nam sau tốt nghiệp trong môi trường lao động mới; Khả năng thích ứng với thay đổi, kỹ năng thực hành và ý thức, tác phong làm việc cũng là những thách thức không nhỏ đối với lao động Việt Nam.

Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học lao động xã hội, hiện năng suất lao động ở Việt Nam và trình độ quản trị doanh nghiệp rất thấp và hiện 2/3 người lao động đang thiếu hụt kỹ năng về lao động và kỹ thuật; 55% số doanh nghiệp cho rằng rất khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao. Trong khi trên 60% số doanh nghiệp FDI đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhưng nếu không nâng cao chất lượng nguồn lao động thì rất khó có thể thu hút đầu tư.

Một số giải pháp trọng tâm

 Thời kỳ hội nhập đã, đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với người lao động Việt Nam, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo hay trình độ tin học... Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, đổi mới yêu cầu về giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp. Rà soát tổng thể đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp để thực thiện chuẩn hóa và xây dựng lộ trình chuẩn hóa để đáp ứng mục tiêu đào tạo nghề đến năm 2020. 

Thứ hai, đẩy nhanh việc xây dựng các chuẩn đầu ra dựa trên tiêu chuẩn nghề phù hợp với Khung trình độ quốc gia, trước mắt tập trung vào các nghề trọng điểm, các nghề có trong danh mục của hội thi tay nghề ASEAN; rà soát và điều chỉnh việc xây dựng các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, theo hướng linh hoạt, tăng tính thực hành. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề, ưu tiên tập trung các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia; rà soát, chỉnh sửa các danh mục thiết bị đã ban hành theo hướng tiếp cận với các nước trong khu vực; áp dụng tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo chuẩn khu vực, quốc tế. Đồng thời, rà soát, thống nhất các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; xây dựng các cơ chế, quy định về đảm bảo chất lượng; các cơ chế, quy định và phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho ngư­ời lao động của doanh nghiệp; Các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế; Cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của DN theo ngành, nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Thứ tư, tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn để tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với toàn xã hội; Xây dựng các sản phẩm tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong nhà trường phổ thông; giới thiệu việc làm trong trường nghề. Tiếp tục hợp tác với chính phủ Hàn Quốc, Đức, Italia và Nhật Bản trong triển khai các dự án ODA trong lĩnh vực dạy nghề đã ký kết; thực hiện đám phán với các nhóm nước trong ASEAN để tiến tới công nhận văn bằng, chứng chỉ và kỹ năng nghề giữa các nước; Hoàn thiện các chính sách, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; hợp tác nghiên cứu khoa học; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp tác đào tạo, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.