Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Nội

ThS. NGUYễN BảO THƯ - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về mọi mặt, trong đó, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguồn nhân lực được đo lường giá trị bằng chi phí để thay thế người lao động; là kiến thức, năng lực và kỹ năng của các thành viên trong doanh nghiệp. Những giá trị ấy được thể hiện ở năng suất, hiệu quả công việc và thái độ của người lao động với doanh nghiệp.

Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Nội

Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng 150.000 doanh nghiệp (DN), đứng thứ hai cả nước, trong đó DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 97%. DNNVV có vai trò rất quan trọng, chiếm 50,1% lao động trong các DN, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Trong thời gian qua, DNNVV ở Hà Nội đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Các DN đã có ý thức cao trong việc phát triển nguồn nhân lực. Mặt khác, lãnh đạo Thành phố cũng rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các DNNVV.

Những năm qua, TP. Hà Nội đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trung tâm có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở triển khai các kế hoạch, chương trình hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố cho các DNNVV; thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo và các dịch vụ công khác cho nguồn nhân lực của DNNVV ở Hà Nội. Trung tâm đã tổ chức các lớp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo nhu cầu của các DN; đã tổ chức đào tạo và quản lý các chương trình đào tạo giám đốc DN, khởi sự DN và quản trị DN. Trung tâm cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo, toạ đàm, với sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước, quốc tế với các DN về nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nguồn nhân lực.

Giai đoạn 2011- 2015, TP. Hà Nội đã triển khai Chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngắn hạn cho các DNNVV về các kiến thức: Giám đốc điều hành DN cho 450 học viên; khởi sự DN cho 6.840 học viên và quản trị DN cho 13.160 học viên. Nội dung chương trình học của Trung tâm sát với nhu cầu thực tế của các DN, tạo được niềm tin và sự ủng hộ của đông đảo DNNVV.

Ngày 01/12/2015, UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đào tạo kiến thức giám đốc điều hành DN cho 1.000 học viên, đào tạo khởi sự DN cho 8.000 học viên và đào tạo quản trị DN cho 24.000 học viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được ở trên, các DNNVV ở Hà Nội cũng gặp phải không ít khó khăn, bất cập trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, hầu hết các DNNVV chỉ mới thực hiện các chương trình đào tạo cho người lao động, mà chưa chú ý tới công tác phát triển nguồn nhân lực; chưa vạch ra mục tiêu đào tạo, phát triển nhân lực một cách đúng đắn, phù hợp.

Ở Hà Nội, các chủ DNNVV thường vừa điều hành, quản lý và tham gia trực tiếp vào sản xuất. Hầu hết họ chưa tham gia các khóa đào tạo quản lý chính quy, nên chưa có đủ kiến thức về quản trị DN, mà chỉ quản lý theo kinh nghiệm. Họ cũng chưa coi trọng việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch nguồn nhân lực, nếu có thì còn đơn giản.

Về đào tạo, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động, đa số các DNNVV không có chiến lược đào tạo và phát triển gắn với tầm nhìn và mục tiêu cụ thể của DN.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Nội

Đối với công tác quản trị nhân lực

- Các DNNVV ở Hà Nội cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà quản lý. Bên cạnh sự nỗ lực của DN, cần sự hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên của các cơ quan ban, ngành Nhà nước trong công tác đào tạo nhà quản lý DN.

- Cần hoàn thiện công tác tuyển dụng nhân sự. Các DNNVV ở Hà Nội nên tuyển dụng nguồn nhân lực từ các trường đào tạo, để tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Cần hoàn thiện chế độ lương bổng, đãi ngộ và chính sách bảo hiểm cho người lao động, nhằm củng cố mối quan hệ hữu cơ giữa họ với DN. Đây là nhân tố quyết định, không chỉ đảm bảo cho cuộc sống hiện tại, mà còn cho cả tương lai của người lao động.

Đối với chủ DNNVV

Chủ DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh đi đôi với xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, chủ DN cần thay đổi quan điểm về nguồn nhân lực theo hướng phải xuất phát từ chiến lược phát triển kinh doanh thể hiện qua các mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, từ đó, bằng sự thông hiểu sâu sắc của mình mà chọn được một chính sách nhân lực phù hợp.

Đối với phát triển nguồn nhân lực

Các DN cần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học tập; hỗ trợ kinh phí, thời gian, bố trí người làm thay để người lao động toàn tâm, toàn ý cho quá trình học tập. Khi lựa chọn hình thức đào tạo và phát triển, các DN cần cân nhắc về mục tiêu, đối tượng, kinh phí và giảng viên. Về hình thức đào tạo, nên coi trọng hình thức đào tạo “cầm tay chỉ việc” trong công việc và đào tạo theo chương trình định hướng cho nhân viên mới. Đây là hai hình thức đào tạo mà DNNVV sẽ ít tốn kém lại dễ thực hiện. Ngoài ra, DN cũng nên lựa chọn một số chương trình đào tạo phù hợp trên thị trường, cho cán bộ quản lý chủ chốt theo học. Doanh nghiệp cũng cần khuyến khích nhân viên tự học và học qua internet, sẽ ít bị ảnh hưởng tới thời gian làm việc.

Bên cạnh đó, DN cần lập và thực hiện kế hoạch phát triển nghề nghiệp, bao gồm các hoạt động cá nhân và tổ chức, như lập kế hoạch nghề nghiệp, nhận biết về nghề nghiệp và phát hiện các nhu cầu đào tạo, phát triển, tận dụng các cơ hội để tham gia đào tạo; thông báo nghề nghiệp, hệ thống tư vấn, sử dụng cán bộ quản lý như những người tư vấn về nghề nghiệp, đánh giá kết quả thực hiện và các chương trình hướng nghiệp.

Mặt khác, chủ DN cần chú ý xây dựng văn hóa DN, tạo môi trường làm việc thân thiện và chuyên nghiệp. DN cần sáng tạo trong việc công nhận và khen thưởng nhân viên để họ cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm đồng thời tạo động lực cho nhân viên phấn khởi làm việc. Để thu hút được nhân viên giỏi, các DN cần phải có chiến lược, từ thu hút, tuyển dụng, hội nhập đến cộng tác...

Đối với xây dựng văn hóa DN

Văn hóa DN được đánh giá là một trong hai nhân tố có tác động lớn nhất đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực của DNNVV. Vì vậy, DN cần bố trí công việc phù hợp với khả năng, nguyện vọng của nhân viên, qua đó giúp nhân viên phát huy năng lực, sở trường và tăng sự hài lòng trong nghề nghiệp.

DN cần hoàn thiện các kênh giao tiếp, truyền thông trong nhóm, trong DN, quy định thời gian, quy trình báo cáo và hội họp. Giám đốc DN, trưởng các bộ phận cần là tấm gương về sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tin tưởng người khác trong quá trình làm việc; đảm bảo trao đổi thông tin thông suốt, mọi thông tin đưa ra đều được các thành viên hiểu, xác nhận, phản hồi và thực hiện. Như vậy, sẽ khuyến khích được người lao động chia sẻ sáng kiến và đóng góp ý kiến vào việc vận hành DN.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNNVV

- Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách vĩ mô nhằm khuyến khích phát triển DNNVV, hình thành quỹ phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực và đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Trong đó, Nhà nước cần hỗ trợ về kinh phí đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV. Đồng thời, Nhà nước cần tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các tổ chức quốc tế trợ giúp cho các DNNVV bằng các hình thức đa dạng.

- Nhà nước cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về quan hệ lao động. Bộ Luật lao động cũng cần có những quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ DN, có những chế tài cần thiết để xử lý các vi phạm của người lao động tự ý bỏ việc hoặc thôi việc; Tạo điều kiện để đại diện lao động và chủ sử dụng lao động tham gia xây dựng chính sách về lao động và phát triển thị trường lao động.

Tài liệu tham khảo:


1. Nguyễn Thị Duyên, Bài toán phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV, http://tapchitaichinh.vn, 17/10/2014;

2. Phạm Thị Minh Nghĩa, Một số hạn chế liên quan đến sự phát triển của DNNVV Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, http://sokehoach.onme.vn, 13/10/2015;

3. Nguyễn Vân Điềm & Nguyễn Ngọc Quân (2004). Giáo trình quản trị nhân lực. NXB. Lao động - Xã hội, Hà Nội, trang 8.