Chất lượng tài khoản chứng khoán?
Tính đến đầu năm, Việt Nam có khoảng 2,2 triệu tài khoản chứng khoán (CK), con số này vẫn tăng dần theo từng năm dù nhanh hay chậm. Nhưng vấn đề đáng bàn hơn cả là chất lượng của tài khoản CK và cách nhìn nhận, đánh giá và công bố.
Số liệu “mão”?
2,2 triệu tài khoản CK nếu so với gần 50 triệu tài khoản ngân hàng (NH) vẫn chỉ chiếm tỷ trọng quá nhỏ (chưa đến 5%), còn nếu so với khoảng 97 triệu dân lại càng ít hơn, vì tính ra gần 50 người dân mới có 1 Nhà đầu tư (NĐT) CK. Rõ ràng, số lượng tài khoản CK còn quá ít ỏi so với quy mô dân số cũng như tiềm năng của nền kinh tế, và như vậy kỳ vọng tăng trưởng vẫn còn rất lớn, vấn đề là làm cách nào để thúc đẩy một cách hiệu quả, điều này sẽ cần bàn một cách chi tiết hơn.
2,2 triệu tài khoản CK hiện được phân bổ như thế nào? Một câu hỏi tưởng chừng dễ trả lời hóa ra lại không. Nếu như các nhà bán lẻ hàng đầu như Thế giới di động, FPT Shop, Vinmart… rất siêng công bố số lượng cửa hàng (shop) của mình, thì việc công bố số lượng tài khoản của các công ty chứng khoán (CTCK) chỉ là việc được chăng hay chớ.
Chẳng hạn, CTCK Sài Gòn (SSI) công bố tại thời điểm cuối năm 2018 có hơn 153.000 tài khoản CK, trong đó hơn 151.000 tài khoản của cá nhân và gần 2.000 tài khoản của NĐT tổ chức. Cùng thời điểm này, số lượng tài khoản CK của CTCK BIDV (BSC) cũng đạt gần 110.500, trong đó số tài khoản cá nhân trong nước hơn 108.000.
Nhưng điểm thú vị ở đây là BSC còn công bố cả việc chỉ có gần 26.000 tài khoản CK có giao dịch trong năm 2018, chiếm hơn 23% tổng số tài khoản. Tất nhiên, không chỉ có SSI hay BSC công bố số lượng tài khoản CK, mà còn có những CTCK khác nữa, nhưng thường cũng không mang tính chất định kỳ, thường nhật, số liệu tài khoản CK đa phần nằm rải rác trên đủ mọi loại báo cáo. Việc này có lẽ sẽ đơn giản hơn nếu như CTCK công bố thẳng ngay trên website giống như Thế giới di động công bố số lượng shop của mình.
Việc SSI, một CTCK có nửa thập niên dẫn đầu thị phần đạt số lượng tài khoản “trăm ngàn” không có gì là ngạc nhiên, nhưng với trường hợp của BSC, CTCK không thường xuyên lọt vào top 10 nhưng cũng có số lượng tài khoản vượt mốc trăm ngàn có thể dẫn đến một số thắc mắc theo kiểu “vì sao lại nhiều tài khoản đến vậy?”.
Thực ra BSC cũng thuộc nhóm các CTCK “đời đầu” giống như SSI và cũng một thời đình đám, nên việc có số lượng tài khoản “khủng” sau gần 2 thập niên hoạt động cũng không có gì ngạc nhiên. Hoặc nếu ước tính một cách có cơ sở như sau: 80-90% số lượng tài khoản CK, tức gần 1,8 triệu tài khoản, thuộc về gần 20 CTCK đang có hoạt động tích cực trên thị trường (có BSC), thì bình quân mỗi đơn vị có xấp xỉ 100.000 tài khoản.
Ông Lê Anh Trí, Giám đốc Chi nhánh quận 3 CTCK Phú Hưng, cho biết hiện đang quản lý số lượng tài khoản CK hơn 10.000. Một chi nhánh của một CTCK tầm trung còn đạt được số lượng tài khoản chục ngàn, thì việc CTCK có trăm ngàn tài khoản cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, chất lượng còn quan trọng hơn số lượng, mà như công bố của BSC trong năm 2018 thì cứ 4 tài khoản tại CTCK này thì mới có 1 tài khoản có giao dịch.
Có tiếng phải có miếng
Tài khoản CK có thể có các trạng thái như: có tiền, có CK, giao dịch mua-bán bình thường; không có tiền, cũng không có CK; có tiền hoặc CK nhưng lại không giao dịch. 5-10 năm trước, những tài khoản bất động thường là những tài khoản mở rồi để đó, theo phòng trào, hoặc theo chỉ tiêu từ CTCK, tức không bỏ tiền, cũng không lưu ký CK. Còn hiện tại, ngay cả những tài khoản dù có sẵn CK, nhưng không giao dịch cũng bị xem là “gánh nặng” của CTCK.
Rõ ràng việc phát triển về số lượng tài khoản CK là điều tiên quyết để tăng cường thêm NĐT cho thị trường cũng như độ phủ của TTCK, nhằm huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực. Nhưng việc chú trọng đến chất lượng và khai thác để đem lại hiệu quả cho tài khoản cũng như đảm bảo lợi ích cho CTCK, cũng là một bài toán cần lời giải một cách thấu đáo.
Đã từng có thời, một số CTCK có ý định thu phí lưu ký của khách hàng cũng vì lý do này, do có nhiều tài khoản sở hữu một lượng lớn CP, trong đó có những trường hợp thuộc về một số cổ đông nội bộ, cổ đông lớn của doanh nghiệp, nhưng để rất lâu và không giao dịch.
Nguồn gốc của các tài khoản này đến từ việc có những CTCK mời chào với những chế độ ưu đãi hấp dẫn cho các khách hàng về mở tài khoản, lưu ký CK như giảm phí, giảm lãi margin, và tất nhiên là cả miễn phí lưu ký. Trong trường hợp tài khoản này có giao dịch thì khoản phí thu về của CTCK tất nhiên sẽ lớn hơn rất nhiều so với phí lưu ký, nhưng nếu để im tài khoản trong một thời gian dài, rõ ràng sẽ khiến các CTCK phải mất một khoản chi phí (trả phí lưu ký thay cho khách hàng) mà chả thu được đồng nào.
Và tại một số CTCK lớn, sau một thương vụ tư vấn cổ phần hóa, IPO có thêm hàng trăm, hàng ngàn tài khoản CK mới, nghe thì oách vậy, nhưng sau đó có khi rơi vào tình trạng dở khóc dở cười vì rất nhiều tài khoản không giao dịch. Cách đây chưa lâu, một CTCK nằm trong tốp đầu thị phần nhờ vào việc tư vấn cho một đơn vị lớn IPO mà có đến vài ngàn tài khoản mới, nhưng đa phần là của CBCNV, vốn sở hữu cũng không nhiều CP, lại cũng không có nhiều khái niệm về đầu tư, nên phần lớn chỉ để đó. Nghe nói dù có đến “nửa vạn” tài khoản CK mới, nhưng có tiếng mà không có miếng, hoặc nếu có thu phí cũng chỉ thu được từ một lần bán ra.
Mỗi CTCK sẽ có một tỷ lệ active tài khoản khác nhau, như trường hợp của BSC là khoảng 23%, và rõ ràng tỷ lệ này càng cao khả năng doanh thu của CTCK sẽ càng lớn và thị phần càng lớn. Thực ra, nhóm tài khoản bất động tại CTCK chưa hẳn đã “chết”, bởi sự quan tâm đến việc đầu tư từ công chúng xã hội nói chung, hay ý định đầu tư, tích lũy của từng cá nhân ngày một lớn.
Đó cũng là lý do mà các nhân viên môi giới theo một chu kỳ nhất định vẫn thường rà soát lại danh sách tài khoản bất động, sau đó gọi điện, tiếp cận với khách hàng (telesales) để chào mời đầu tư. Theo như một nhân viên môi giới cho biết, chỉ cần tỷ lệ thành công từ 100:1 (gọi 100 cuộc tìm được 1 khách hàng) cũng đã được xem là thành công.