"Chật vật" đẩy bánh xe tăng trưởng tín dụng ở Bình Dương
Dù hệ thống ngân hàng đã nỗ lực hết sức nhưng đến nay tăng trưởng tín dụng toàn tỉnh Bình Dương chỉ đạt 1,33% so với thời điểm đầu năm 2024. Trước thực trạng này, ngành Ngân hàng đang tiếp tục mở rộng nguồn cung tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và quyết tâm đẩy “bánh xe tín dụng” tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế Tỉnh.
Lý giải của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2024, do từ đầu năm 2024 cho thấy, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do trong 6 tháng đầu năm kinh tế trong nước và trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đang rất thấp, nhiều ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất chỉ 5,9%/năm, cho vay doanh nghiệp ở mức 6 - 9%/năm, tùy kỳ hạn, chương trình.
Thậm chí với những khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, xếp hạng tín dụng tốt đều được hưởng lãi suất ưu đãi hơn so với vay thông thường, tuy nhiên, nhu cầu vốn thấp, dẫn đến ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.
Thực tế này cho thấy, lãi suất vay vốn không còn là vấn đề đau đầu đối với các doanh nghiệp như những năm trước đây.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết, đến nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc kéo giảm tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Theo đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 189.648 tỷ đồng, chiếm 57,12% trên tổng dư nợ, tăng 1,82% so với đầu năm 2024; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 142.332 tỷ đồng, chiếm 42,88% trên tổng dư nợ, tăng 0,68%.
Như vậy, dư nợ cho vay trung, dài hạn đang tiếp tục được các tổ chức tín dụng điều chỉnh về mức gần cân bằng so với cho vay ngắn hạn nhằm bảo đảm cơ cấu nguồn vốn, hạn chế rủi ro, nợ xấu theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đáng chú ý, theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thời gian qua, phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn cho vay.
Qua đó, góp phần tích cực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Đến nay, 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) đang quản lý 1.727 tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại tất cả các khu, ấp trong tỉnh, với 84.203 thành viên, đang vay số tiền 4.685.546 triệu đồng.
Thông tin từ một số tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cho biết, các tổ chức này đang khẩn trương hơn trong việc đẩy nhanh các giải pháp cho hoạt động tín dụng, nỗ lực hơn nữa để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra cho năm 2024.
Một trong những giải pháp căn cơ là thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với các địa phương để trao đổi, đối thoại, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong cung ứng vốn.
Đặc biệt, Vietcombank Bình Dương, cho biết sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, triển khai nhiều chính sách để tăng cường kiểm soát rủi ro, với tổng số dư nợ ưu đãi lãi suất 15.884 tỷ đồng, chiếm gần 84% tổng dư nợ với tổng số tiền lãi ưu đãi gần 80 tỷ đồng.
Thời gian từ nay đến cuối năm 2024, Vietcombank Bình Dương đặt mục tiêu huy động vốn đạt 24.710 tỷ đồng, tăng 12,8%; dư nợ cho vay đạt 21.500 tỷ đồng...
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương chia sẻ, từ nay đến cuối năm, để nâng cao mức tăng trưởng tín dụng, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng, giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Các ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng phù hợp từng phân khúc khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân với các dự án có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương.