Châu Á: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu 2015

Huy Hiếu

(Tài chính) Triển vọng kinh tế châu Á trong năm 2015 được cho là khá khả quan. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) vừa công bố mới đây (13/1/2015), kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 5,8% trong năm 2015, tăng nhẹ so với mức 5,4% của năm 2014.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng trưởng đồng đều

Theo báo cáo của ESCAP, tăng trưởng tại khu vực sẽ được thúc đẩy nhờ sự tăng tốc của các nền kinh tế Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Papua New Guine, Hàn Quốc và Thái Lan. Những cải cách mới được áp dụng tại Ấn Độ và Indonesia dự kiến sẽ giúp hai nước này đạt mức tăng trưởng lần lượt là 6,4% và 5,6% trong năm 2015, tăng so với mức 5,5% và 5,2% của năm 2014.

Tăng trưởng tại Trung Quốc được dự báo sẽ đạt khoảng 7,0% trong năm 2015. Kinh tế Nhật Bản cũng có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 1,5% trong năm 2015, tăng so với mức 0,5% của năm 2014. Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2015 có thể đạt 6,0%, tăng so với mức 5,8% của năm 2014.

Giá dầu hỗ trợ

Ngày 19/1/2015, giá dầu thô, ngọt nhẹ thế giới giao dịch ở ngưỡng 48,32 USD/thùng. Như vậy, chỉ trong vòng nửa năm qua, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm tổng cộng 55%. Theo các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế thì năm 2015, giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm.

Giá dầu giảm là chất xúc tác giúp tăng trưởng kinh tế. Theo giới phân tích, các đối tượng hưởng lợi chính sẽ là châu Á (Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương Rajiv Biswas của hãng tư vấn IHS nhận định, giá dầu giảm sẽ giúp tăng trưởng GDP của khu vực này tăng thêm 0,25-0,5%).

Tại châu Á, nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu nhập khẩu nhất. Năm 2013, nước này chi 234,4 tỷ USD để nhập khẩu dầu. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), năm 2014, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về nhập khẩu dầu. “Giá dầu giảm 30% sẽ giúp GDP của Trung Quốc tăng thêm khoảng 1%”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của Capital Economics, Julian Evans-Prichard, nhận định.

Ngoài Trung Quốc, một loạt nền kinh tế châu Á khác như Ấn Độ, Indonesia Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan cũng hưởng lợi từ giá dầu giảm. Giá dầu nếu giảm tiếp có thể giúp các nước trên hạ lãi suất từ mức khá cao hiện nay mà không lo ảnh hưởng đến lạm phát.

Vẫn còn những trở ngại

Phần đông các dự báo đều nhận định châu Á sẽ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2015. Tờ Les Echos của Pháp cũng đưa ra dự báo lạc quan rằng, tốc độ tăng trưởng của châu Á, với 44% dân số toàn cầu, nhìn chung sẽ cao gấp đôi nhịp độ tăng trung bình của phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, theo nhận định của Giám đốc Điều hành Ủy ban Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương ESCAP, Tiến sỹ Shamshad Akhtar thì rất nhiều nền kinh tế đang phát triển tại khu vực phải đối mặt với những hạn chế về cấu trúc kinh tế, vốn đang kiềm chế tiềm năng tăng trưởng. Tiến sỹ Akhtar cho rằng sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng cần thiết vẫn là bài toán hóc búa; tăng trưởng kinh tế vẫn không tạo ra động lực tối đa cho tăng trưởng việc làm.

Bên cạnh đó, một mối lo nữa của châu Á là những năm gần đây, "núi" nợ của châu Á ngày càng tăng nhanh. Tính đến năm 2013, hệ số nợ/GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, đã tăng lên 203% từ 147% trong năm 2007 với phần lớn nợ đều xuất phát từ khối doanh nghiệp, theo báo cáo của nhóm chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley. Trong đó, 7/10 quốc gia, gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc, đang có hệ số nợ/GDP xấp xỉ hoặc đã vượt quá mức 200%. Theo nhận định của các chuyên gia Morgan Stanley thì nợ tăng cao, áp lực lạm phát giảm đang ảnh hưởng rất lớn đến chi tiêu tiêu dùng của khối doanh nghiệp và người dân, thậm chí còn đe dọa đến sự phục hồi của kinh tế khu vực.