Châu Á - Thái Bình Dương: Quyết tâm thúc đẩy đàm phán RCEP

Theo thoibaonganhang.vn

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan, đã diễn ra trong các ngày 4-10/9 tại Manila, Philippines. Đây cũng là hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ năm của các nước châu Á - Thái Bình Dương về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bắt đầu được đàm phán từ năm 2013.

Châu Á - Thái Bình Dương: Quyết tâm thúc đẩy đàm phán RCEP. Nguồn: Internet
Châu Á - Thái Bình Dương: Quyết tâm thúc đẩy đàm phán RCEP. Nguồn: Internet

Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez cho biết các bộ trưởng kinh tế của 16 nước châu Á - Thái Bình Dương đã thống nhất cùng định hướng cho các cuộc đàm phán, hướng tới việc đạt được kết quả đáng kể vào cuối năm nay.

Thúc đẩy đàm phán RCEP
Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị RCEP lần thứ 5 nêu rõ các bộ trưởng tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa các nỗ lực hợp tác nhằm đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán RCEP. Các bộ trưởng kêu gọi các nước tham gia tập trung vào nỗ lực và nguồn lực nhằm tối đa hóa tiến bộ hướng tới việc đạt được các kết quả quan trọng. Hội nghị hoan nghênh việc ủy ban đàm phán thương mại RCEP nhất trí về các yếu tố then chốt nhằm đạt được kết quả quan trọng vào cuối năm nay.

Khẳng định sự cần thiết của việc biến những cam kết chính trị thành hành động, các bộ trưởng đánh giá cao việc đẩy mạnh đàm phán về tiếp cận thị trường và các quy định, tái khẳng định mục tiêu của RCEP là tiến đến một thỏa thuận đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích chung.

RCEP do ASEAN dẫn dắt là một hiệp định thương mại khu vực đầy tham vọng, chiếm tới 30% khối lượng thương mại và GDP toàn cầu. Hiệp định này nhằm tạo ra các mối liên kết kinh tế mạnh mẽ hơn cho các nước tại bốn khu vực, gồm Đông Bắc Á, châu Đại Dương, Nam Á và Đông Nam Á, cũng như củng cố mối quan hệ kinh tế giữa 48% dân số thế giới. Với RCEP, ASEAN không những có thể khẳng định vị thế trung tâm của mình trong nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương mà còn thu hút lợi ích kinh tế và chính trị từ thoả thuận thương mại đến từ 16 nước thành viên.

Các hiệp định thương mại không phải là vấn đề mới đối với ASEAN, khi khối đã ký hiệp định thương mại đầu tiên trong khu vực với Trung Quốc vào năm 2002. ASEAN cũng ký các hiệp định thương mại tự do với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Tuy nhiên, chính sự hiện diện của các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) này đã tạo ra những sự chồng chéo và phức tạp, khi các doanh nghiệp từ ASEAN phải đối mặt với nhiều loại thuế và quy định xuất xứ khác nhau khi trao đổi thương mại với các quốc gia này.

RCEP sẽ giảm thiểu sự phức tạp của các hệ thống thuế quan trên bằng cách cắt giảm các quy tắc và thủ tục liên quan tới hải quan và hạ tầng thương mại. Thực tế, các doanh nghiệp ASEAN sẽ chỉ phải tuân theo 1 thay vì 5 hệ thống thủ tục khi giao dịch với các đối tác của RCEP. Điều này chắc chắn sẽ làm cho việc kinh doanh trong khu vực trở nên dễ dàng hơn và tăng sự hấp dẫn của ASEAN với tư cách là một điểm đến về đầu tư và thương mại.

Ngay cả khi ASEAN nỗ lực phấn đấu để đạt được tầm nhìn về thương mại một khối như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thì sự thật là thương mại giữa 10 quốc gia thành viên chỉ chiếm 25% tổng kim ngạch thương mại. Điều này còn hạn chế so với thương mại nội bộ giữa các quốc gia EU chiếm tới 70% tổng lượng thương mại của các nước EU. Trao đổi thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc chiếm 15%, với Nhật Bản chiếm 10% và với các quốc gia ngoài ASEAN là thành viên của RCEP chiếm 11%.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho thấy hầu như tất cả các quốc gia ASEAN sẽ được hưởng lợi từ RCEP hơn là chỉ dựa vào các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc thương mại nội khối của ASEAN.

Thách thức vẫn còn

Các chuyên gia nhận định trở ngại lớn nhất trong tiến trình đàm phán RCEP là vấn đề thuế quan. Trong số những nước tham gia đàm phán RCEP, các nước phát triển bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do vậy, những nước này hướng tới mức độ tự do hóa thị trường cao gần với mức mà TPP dự kiến đạt được.

Mặt khác, những nước mới nổi như Ấn Độ phải đối mặt với sự phản đối của các ngành công nghiệp trong nước. Do đó, lập trường của họ là việc hướng tới mức độ tự do hóa cao như TPP là không thực tế. Những nước tham gia đàm phán RCEP bất đồng về mức hạ thuế quan và thời gian thực hiện những cắt giảm thuế quan đã được nhất trí.

Đã 4 năm trôi qua kể từ khi bắt đầu đàm phán RCEP. Cho đến nay các nhà đàm phán đã có 19 cuộc thảo luận. Mục tiêu của họ là đạt được thỏa thuận tổng quát trước cuối năm nay. Tuy nhiên, các bộ trưởng kinh tế tới từ 16 nước châu Á - Thái Bình Dương tham gia đàm phán RCEP tại thủ đô Manila thừa nhận các bên sẽ không đạt được một thỏa thuận trong năm nay, do khác biệt trong các mục tiêu giảm hoặc cắt bỏ thuế, cũng như việc mở cửa các dịch vụ.

RCEP là hiệp định thương mại tự do với hơn 3,5 tỷ dân, hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và 6 nước đối tác đã có FTA với ASEAN bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Vì vậy, hiệp định này hứa hẹn mang lại những cơ hội lớn cho các quốc gia thành viên, nhất là các quốc gia có mức độ phát triển thấp.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng đang tồn tại cuộc ganh đua nhằm tạo dựng khuôn khổ của RCEP, khi Trung Quốc và Nhật Bản có cách nhìn khác nhau về thỏa thuận thương mại này. Theo tờ Financial Times, Bắc Kinh muốn đẩy nhanh đàm phán RCEP, còn các quan chức Nhật Bản và ASEAN lại cho rằng RCEP không nên để cho Trung Quốc dẫn dắt.

Có ý kiến đánh giá rằng RCEP là một thỏa thuận thương mại “chất lượng thấp", do các điều khoản chỉ tập trung vào việc giảm thuế giữa các nước trong ASEAN và các nước láng giềng của khối. Nhật Bản và Australia muốn có một thỏa thuận thương mại "chất lượng cao" bao gồm cả các lĩnh vực như dịch vụ - đầu tư.

Những quan điểm trái ngược trên đã dẫn tới một cuộc ganh đua giữa một bên là Nhật Bản, Australia và bên kia là Trung Quốc trong việc tạo ra một thỏa thuận có khả năng kiến tạo khuôn mẫu thương mại toàn cầu, hội nhập kinh tế tại khu vực đông dân nhất thế giới và khiến các chuỗi cung ứng của khu vực này trở nên cạnh tranh hơn.

Rajiv Biswas, nhà kinh tế tthuộc IHS Global Insight tại Singapore, cho rằng mặc dù về chính trị thì RCEP dường như là nơi tụ hội tốt nhất cho tự do thương mại, nhưng trên thực tế điều này rất khó đạt được vì thành phần, mục đích tham gia của các nước quá khác nhau.