Công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường:

Châu Âu tiến thoái lưỡng nan

Theo daibieunhandan.vn

Liên minh châu Âu đã có bước đi đầu tiên nhằm thay đổi mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh khi bắt đầu xem xét công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong nội bộ khối đang diễn ra nhiều ý kiến trái chiều về việc làm thế nào để vừa nới lỏng các biện pháp bảo hộ thương mại nhằm tránh chọc tức Trung Quốc, vừa bảo vệ được các ngành công nghiệp then chốt trước làn sóng hàng hóa rẻ xâm nhập từ quốc gia được mệnh danh là công xưởng của thế giới này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cân nhắc được - mất

Lần đầu tiên, Ủy ban châu Âu (EC) tranh luận về một vấn đề chính trị nhạy cảm, đó là trả lời câu hỏi: Trung Quốc có phải là “nền kinh tế thị trường” hay không. Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới 2001, Trung Quốc vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Thời hạn để Bắc Kinh chuyển đổi hẳn sang thành nền kinh tế thị trường là 15 năm. Chính vì vậy mà trong suốt thời gian qua, chỉ riêng trong lĩnh vực làm ăn buôn bán với EU, hàng hóa Trung Quốc vào EU vẫn phải chịu tới 16 cuộc điều tra chống phá giá.

Ngoài ra hàng Trung Quốc cũng đã phải chịu 52 trên tổng số 68 loại thuế “phạt” do Brussels áp đặt dưới hình thức thuế hải quan bổ sung. Đến tháng 11.2016, quy chế nước có nền kinh tế phi thị trường của Trung Quốc sẽ hết hạn tại WTO, bởi vậy mà EU - đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, bắt buộc phải đưa ra sự lựa chọn.

Là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, EU đang ở thế tiến thoái lưỡng nan bởi cái được và mất quá lớn. Nếu câu trả lời khẳng định là “ủng hộ”, phương Tây sẽ bị mất đi thứ vũ khí “chống phá giá” nhằm vào hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc, vốn được bán với giá thấp hơn bình thường, đồng thời, thay đổi tiêu chuẩn quyết định mức giá trung bình. Khi đó hàng hóa Made in China sẽ tràn ngập thị trường và công ăn việc làm ở các nước phương Tây sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo một nghiên cứu của 25 liên đoàn sản xuất châu Âu, ước tính EU có thể mất 3,5 triệu việc làm nếu dỡ bỏ bảo hộ thương mại khi làm ăn với Trung Quốc. Trong khi đó, việc khước từ mong muốn của Trung Quốc có thể dẫn đến những đòn trả đũa khó lường. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ.

EU chia rẽ

Trong khi những nước cổ súy cho thương mại tự do như Anh, Hà Lan và các nước Tây Bắc Âu ủng hộ công nhận Trung Quốc, thì các nước như Pháp, Italy, với nhiều mặt hàng cạnh tranh với Trung Quốc lại phản đối trao tư cách này cho Bắc Kinh. Những người phản đối cho rằng, quyết định của châu Âu sẽ tác động mạnh tới quan hệ thương mại với các đối tác lớn khác.

Liên đoàn công nghiệp lớn nhất Bắc Mỹ United Steelworkers năm 2015 từng cảnh báo Chính quyền Washington rằng nếu EU công nhận tư cách nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc, các doanh nghiệp EU sử dụng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gặp bất lợi trước những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tương tự tại Mỹ. Họ cho rằng, việc làm này cần được cân nhắc kỹ bởi việc đàm phán Thỏa thuận thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ đã kéo dài 3 năm.

Trong khi đó, những người ủng hộ đã lấy Nga làm ví dụ cho lập luận của mình. Họ cho rằng, việc công nhận nền kinh tế Nga là nền kinh tế thị trường vào năm 2001 không hề ảnh hưởng tới việc áp đặt các loại thuế chống bán phá giá của EU, chẳng hạn như mức thuế 29% đánh vào mặt hàng thép điện từ của Nga hồi năm ngoái. Theo họ, thay đổi này cũng không hạn chế quyền áp thuế của EU nếu các khoản trợ cấp bất hợp pháp bị phát giác.

Vẫn còn chỗ cho đồng thuận

EC là cơ quan lãnh trách nhiệm đưa ra quyết định đầu tiên, và phải công bố các lý do cụ thể đưa tới quyết định của mình nếu công nhận tư cách nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc, trong khi vẫn phải tìm cách duy trì các biện pháp bảo hộ thương mại trong thời gian chuyển tiếp. Giới quan sát cho rằng, EC có thể duy trì các loại thuế hiện hành cho tới khi chúng hết hạn, thường là 5 năm, và sau đó tăng thuế đánh vào các mặt hàng được trợ giá không theo quy định.

Giới chức Trung Quốc, để có được sự công nhận từ phía EU, cho biết họ có thể linh hoạt chấp nhận giai đoạn chuyển tiếp ứng với từng ngành công nghiệp cụ thể của EU. Thỏa thuận năm 2013 nhằm chấm dứt cuộc điều tra của EU về việc Trung Quốc bán phá giá pin mặt trời cho thấy Bắc Kinh và Brussels hoàn toàn có thể tìm kiếm đồng thuận vì lợi ích chung.

Các chuyên gia pháp lý của EC đã đề nghị ủy ban này coi Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Trong một báo cáo, có sự tham gia của hai nhà kinh tế bên ngoài ủy ban, nhiều khả năng sẽ đi đến kết luận rằng việc làm này là điều hoàn toàn khả thi và có thể được tiến hành cùng một số biện pháp khác mà không làm tổn hại tới nền kinh tế của EU. Hiện EC chưa có kế hoạch đưa ra quyết định cuối cùng trước mùa hè tới, song Ủy ban có thể hội kiến với các chính phủ EU (sớm nhất) vào ngày 2.2 tới, khi các bộ trưởng thương mại EU nhóm họp tại Amsterdam.

Việc được coi là nền kinh tế thị trường là một yếu tố quan trọng bởi nó sẽ quyết định tiêu chuẩn xác định thế nào là bán phá giá hàng hóa. Với các nền kinh tế thị trường, việc thử bán phá giá là để xem xem liệu giá xuất khẩu một sản phẩm nào đó có thấp hơn giá nội địa hay không. Nhưng đối với những nước chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, giá cả ở thị trường nội địa không được coi là một tiêu chuẩn phù hợp. Bởi vậy, giá xuất khẩu được so sánh với giá bán nội địa ở một quốc gia khác (chẳng hạn trong ngành hàng sản xuất thép không gỉ là Mỹ).