Diễn đàn Davos 2016:
Hướng tới Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là chủ đề chính tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên lần thứ 46 (Diễn đàn Davos 2016), diễn ra từ ngày 20 - 23/1 tại Davos, Thụy Sĩ.
Chủ đề nóng
Chủ tịch WEF Klaus Schwab nêu rõ, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.
Theo ông Schwab - nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành của WEF, tốc độ, quy mô và bản chất của cuộc cách mạng có khả năng làm thay đổi tất cả các lĩnh vực của đời sống con người.
Do vậy, mục tiêu chính của diễn đàn thường niên năm nay là xây dựng một nhận thức chung đối với những thay đổi nhanh chóng như trên, vốn là chìa khóa để định hình tương lai.
Những thách thức chính hiện nay như an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu và “sự bình thường mới” của tăng trưởng toàn cầu, giá cả hàng hóa cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của diễn đàn.
Môi trường nguy cơ cao
Theo giới phân tích, lựa chọn chủ đề thúc đẩy Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 là một lựa chọn sáng suốt của các nhà tổ chức WEF, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một loạt rủi ro, từ thiên tai đến biến đổi khí hậu và sự nổi lên của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, cùng các cuộc tấn công mạng đang ngày càng phức tạp.
Trong báo cáo công bố trước thềm hội nghị tại Davos, các chuyên gia WEF nhận định, nguy cơ thất bại trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu có thể là rủi ro gây thiệt hại lớn nhất trong thập niên tới, vượt qua cả vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng hoảng nước, dòng người nhập cư ồ ạt và các cú sốc nghiêm trọng về giá năng lượng. Đây là lần đầu tiên mối quan ngại về môi trường đứng đầu danh sách những rủi ro toàn cầu được đưa ra trong báo cáo của WEF.
Theo ông John Drzik, Chủ tịch phụ trách rủi ro toàn cầu của hãng môi giới bảo hiểm Marsh, báo cáo 2016 của WEF nêu lên những rủi ro mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt trên diện rộng nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế thuần túy cũng vẫn là mối quan ngại lớn, như mức độ giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước và tác động của giá dầu thấp đối với ngân sách của các nước xuất khẩu dầu.
Ông Drzik cho rằng điểm gặp nhau của các dấu hiệu kinh tế đáng ngại, với các thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua đợt lao dốc vào đầu năm nay là việc tạo ra môi trường rất khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, theo một khảo sát của hãng tin Reuters, số đông trong hàng trăm nhà kinh tế được hỏi cho rằng tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi đang mất động lực. Thực tế này diễn ra sau khi các biện pháp kích thích kinh tế trị giá vài nghìn tỷ USD và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng được các ngân hàng trung ương lớn thực hiện trong nửa thập niên qua.
Theo khảo sát, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới được dự báo lần lượt là 3,3% và 3,4%, thấp hơn so với các dự báo được đưa ra ba tháng trước. Không chỉ dự báo tăng trưởng bị hạ xuống, triển vọng lạm phát của hầu hết các nước cũng bị điều chỉnh giảm.
Tiếp nối
Có thể thấy nội dung nghị sự của hội nghị là bước đi tiếp nối, là một phần lời giải cho những vấn đề đã đặt ra tại hội nghị liền kề trước đó của WEF, diễn ra tháng 9 năm ngoái tại Trung Quốc, cũng như những vấn đề mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang đối mặt.
Diễn đàn Davos mùa Hè 2015 ở Đại Liên diễn ra vào thời điểm không thuận lợi cho Trung Quốc, khi thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và đồng nhân dân tệ bị phá giá, đồng thời lo ngại rằng tình trạng hỗn loạn trong ngành tài chính Trung Quốc có thể lan ra toàn cầu.
Tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đứng đầu trong danh sách các mối quan ngại của các nhà kinh tế tham gia khảo sát. Nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc được dự báo mức 6,5% năm 2016, so với mức tăng 6,9% năm 2015, nhưng nhiều nhà kinh tế nghi ngờ con số thực tế có thể thấp hơn.
Trong khi đó, việc cổ phiếu Trung Quốc bị rớt giá ngay trong những ngày đầu năm mới 2016 không đáng ngại bằng nhiều dấu hiệu suy thoái khác của nền kinh tế có sản lượng đứng thứ hai thế giới này. Nếu kinh tế Trung Quốc suy sụp dần trong những năm tiếp theo, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới phần còn lại của thế giới.
Theo các chuyên gia, việc thị trường chứng khoán Trung Quốc trong 10 ngày đầu năm 2016 bị mất giá hơn 16% đã thu hút sự chú ý của các nước không chỉ vì những ảnh hưởng tài chính mà về khả năng phản ứng rất kém của các cơ quan chức năng nước này.
Khi chứng khoán Trung Quốc sụt giá gây chấn động thì tỷ phú Georges Soros đã đưa ra cảnh báo, thế giới có thể rơi vào khủng hoảng như năm 2008.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tình hình thậm chí có thể còn tồi tệ hơn vì trên thực tế, nhiều nước vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng tài chính 2008-2009. Mỹ là một điển hình với các nhược điểm chưa giải quyết được từ năm 2008 nên nếu có phục hồi cũng chỉ là tương đối. Châu Âu với cuộc khủng hoảng đồng euro vẫn kéo dài dai dẳng từ đó đến nay.
Trung Quốc, vào thời điểm khủng hoảng bùng nổ, lập tức tăng chi khoảng 586 tỷ USD và ồ ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế nhưng kết quả là sản lượng không tăng và chất lên một núi nợ trong khoảng thời gian ngắn và từ năm 2014 bắt đầu sa sút.
Trong bối cảnh đó, thế giới cần có những bước đi và định hướng cho tương lai. WEF 2016 là một trong những bước đi đó.