“Tam sát” tấn công các nền kinh tế mới nổi
Hôm 21/1 quả thực là một ngày đen tối đối với các nền kinh tế mới nổi khi cả thị trường chứng khoán lẫn thị trường hối đoái và thị trường trái phiếu đều rớt thảm.
Số liệu thống kê cho thấy hôm 21/1, Chỉ số MSCI của nền kinh tế mới nổi giảm tới 3%, còn 692,76 điểm, là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009. Còn nếu tính từ đầu năm 2016 tới nay, chỉ số này đã giảm tổng cộng 13% và cùng thời kỳ, thị trường chứng khoán các nền kinh tế mới nổi đã bốc hơi trên 2.000 tỉ USD.
Việc để mất tới 13% trong 14 phiên giao dịch đầu năm, theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), sự sụt giảm ấy đã vượt qua mức độ bi thảm trong thời kỳ khủng hoảng tài chính 1998 và khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2009.
Vấn đề là không chỉ thị trường chứng khoán, đám mây đen còn bao trùm cả thị trường ngoại hối. Sau khi xác lập kỉ lục buồn bằng việc phá mốc 80 ruble/USD vào hôm 20/1, trong ngày 21/1, đồng ruble đã rớt xuống ngưỡng thấp nhất mọi thời đại khi giao dịch ở mức trên 85 ruble/USD.
Cùng với việc đồng ruble trở thành “vua mất giá” trong số những đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, đồng real của Brazil, đồng rupee của Ấn Độ và đồng peso của Mexico cũng giảm giá mạnh, rớt gần đến mức thấp lịch sử mới.
Hiệp hội Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết năm ngoái, giới đầu tư đã rút 735 tỉ USD khỏi các nền kinh tế mới nổi. Trong bối cảnh dòng vốn khổng lồ chảy ra bên ngoài lãnh thổ các nền kinh tế mới nổi đó, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tin rằng cái giá mà các nền kinh tế mới nổi phải trả cho việc kiềm chế sự mất giá của đồng nội tệ đã quá cao.
Tờ “Thời báo Tài chính” của Anh cũng cho rằng việc mất giá nghiêm trọng khiến đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi đối mặt với áp lực bán tháo lớn hơn. Nhưng điều tệ hại hơn là các nền kinh tế mới nổi còn phải đối mặt với việc lãi suất trái phiếu bằng đồng USD tăng mạnh.
Báo trên dẫn số liệu của "đại gia" tài chính quốc tế JPMorgan Chase cho biết lãi suất vay vốn cùng kỳ hạn của chính phủ các nền kinh tế mới nổi đã tăng từ mức 5,3% của năm ngoái lên 6,7% trong năm nay.
Đây là mức cao kỉ lục trong 5 năm qua và trở thành “sát tinh” thứ ba đối với các nền kinh tế mới nổi sau “sát tinh” chứng khoán và “sát tinh” ngoại hối.