Châu Âu trước làn sóng dịch bệnh mới
Dựa trên những số liệu thống kê về các ca nhiễm mới và tử vong, khu vực châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới. Với tình hình nghiêm trọng hiện nay và ngay trước thềm lễ cuối năm, chính phủ các nước đang cân nhắc tái áp dụng các biện pháp hạn chế.
Tại sao dịch bệnh bùng phát trở lại?
Châu Âu là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao và hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt, tuy nhiên giờ đây, khu vực này đã tăng 10% tỷ lệ số ca nhiễm và tử vong mới trên toàn thế giới trong hơn 1 tuần qua, đồng thời cũng là mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái khi dịch bùng phát mạnh mẽ ở Italy.
Tính đến nay, khoảng 65% dân số của Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Iceland, Liechtenstein và Na Uy đã được tiêm 2 liều vắc xin, nhưng tốc độ đã chậm lại trong những tháng gần đây. Mặc dù các quốc gia ở Tây Âu đều có tỷ lệ tiêm chủng khoảng 60%, thậm chí một số nước như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn song vẫn còn một bộ phận đáng kể dân số chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Với số lượng lớn người chưa tiêm chủng và việc nới lỏng các hạn chế xã hội khi hết phong toả, kết hợp với sự suy giảm khả năng miễn dịch ở người đã tiêm chủng cách đây vài tháng, dẫn tới tình trạng bùng phát dịch ở Tây Âu.
Đức, Pháp và Hà Lan cũng đang trải qua sự gia tăng các ca nhiễm mới, đây là tình trạng cho thấy virus SARS-CoV-2 đang thách thức ngay cả đối với các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, phần nào dập đi hy vọng rằng tiêm vắc xin đầy đủ có thể giúp cuộc sống trở lại bình thường. Tại Đức, trong khi phần lớn các ca nhiễm được ghi nhận mới đây là ở những người trẻ, nhưng số ca nhập viện lại chủ yếu là những người trên 60 tuổi, và tỷ lệ nhập viện trong nhóm trên 60 tuổi không tiêm vắc xin cao hơn đáng kể so với nhóm có tiêm chủng.
Tại các bệnh viện Hà Lan có khoảng 56% bệnh nhân mắc và 70% trong cơ sở chăm sóc đặc biệt là các ca không được tiêm chủng hoặc chỉ được tiêm một mũi. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở Nga cũng đang có dấu hiệu lây lan nhanh hơn trước. Hiện hệ thống y tế nước này đã thực hiện những điều chỉnh nhất định để phù hợp với tình hình mới trong khi các biện pháp hạn chế ở các khu vực sẽ tiếp tục được duy trì ở các mức độ chặt chẽ khác nhau.
Các biện pháp chống dịch mới
Trước đây, khi các nước bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng, người dân hy vọng vào việc đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ ngăn chặn được dịch bệnh, nhưng với tình hình hiện nay thì việc tiêm vắc xin không thể giúp chấm dứt được đại dịch.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu các quốc gia khu vực châu Âu có thể ngăn chặn làn sóng COVID-19 mới nhất này mà không cần dùng đến các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, vì nó vốn tàn phá nền kinh tế, làm gián đoạn việc học tập và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dân hay không. Các chuyên gia cho rằng có thể nới lỏng phong tỏa, nhưng không thể loại bỏ tất cả các biện pháp hạn chế và phải tăng tỷ lệ tiêm chủng.
Chính phủ Hà Lan đang xem xét việc phong tỏa có giới hạn trong hai tuần, trong khi Đức đang cân nhắc đạo luật mở đường cho các biện pháp hạn chế mới. Trưởng khoa virus học tại Bệnh viện Charite tại Berlin Christian Drosten cho biết, Đức phải tăng tỷ lệ tiêm chủng lên 67% và triển khai nhanh chóng, song các nhà chức trách Đức vẫn chần chừ đưa ra lệnh tiêm vắc xin bắt buộc và vẫn muốn tránh áp thêm bất kỳ lệnh phong tỏa nào.
Anh là quốc gia đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế từ tháng 7 và vẫn bùng phát một số đợt dịch, nhưng Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố nước này có thể sống chung với virus và chính phủ Anh sẽ chỉ áp đặt các biện pháp hạn chế nếu thực sự cần thiết.
Trong khi đó, Tây Ban Nha là một ví dụ về cách kiểm soát đại dịch khi trở thành một trong những quốc gia từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 ở châu Âu. Quốc gia này đã tiêm chủng cho 80% dân số, tuy không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường nhưng người dân vẫn tự giác thực hiện. Bên cạnh những biện pháp hạn chế mới, một số quốc gia hy vọng việc đẩy mạnh hơn nữa chương trình tiêm chủng sẽ giúp họ kiểm soát dịch như Pháp đang đặt hy vọng vào liều vắc xin tăng cường. Italy cũng mở rộng chương trình tiêm mũi vắc xin tăng cường khi số ca nhiễm tăng cao.
Hy vọng vào vắc xin thế hệ mới
Mới đây, vắc xin ngừa COVID-19 dạng hít do Trung Quốc sản xuất đã chính thức ra mắt công chúng tại một hội chợ triển lãm ở tỉnh Hải Nam, phía Nam Trung Quốc. Đây là loại vắc xin do chuyên gia tại Viện Quân y thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc và Công ty công nghệ sinh học Cansino Biologics phát triển. vắc xin dạng hít có thể giúp tăng đáng kể mức độ sẵn sàng tiêm chủng của người dân, nhất là đối với những đối tượng mắc chứng sợ kim tiêm.
Các thử nghiệm cho thấy, trong khi liều lượng chỉ bằng 1/5 với mũi tiêm vào bắp tay, việc hít vắc xin dạng khí dung có thể tạo ra phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ tương đương. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của loại vắc xin dạng hít này cho kết quả khả quan như giai đoạn một, mong đợi sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp và đưa vào sử dụng rộng rãi với độ an toàn cao, tạo miễn dịch mạnh và hiệu quả tốt như mũi tăng cường. Hiện nay Trung Quốc đang có hai loại vắc xin là Sinopharm và Sinovac được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt và đang được sử dụng trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, thế giới cũng đang đặt nhiều hy vọng vào thuốc điều trị COVID-19 của Merck và Pfizer. Thuốc của Merck và Pfizer đều có khả năng tấn công vào cơ chế nhân lên của nCoV trong cơ thể bệnh nhân. Molnupiravir hoạt động bằng cách đưa các RNA vào bộ gene của virus trong quá trình nó nhân lên tạo ra vô số đột biến lỗi giúp làm gián đoạn quá trình nhân bản và tiêu diệt virus.
Trong khi paxlovid gây ức chế protease trong cơ thể, loại enzyme mà nCoV cần để nhân lên. Cơ chế này sẽ ngăn virus sinh sôi và kiểm soát tình trạng bệnh của người mắc COVID-19. Mặc dù, các chuyên gia vẫn chưa rõ tác động của các loại thuốc này đối với biến chủng Delta, nhưng các loại thuốc này sẽ là công cụ hỗ trợ cho tấm khiên vắc xin bảo vệ con người trước bệnh dịch.
Dù là thuốc điều trị COVID-19 hay vắc xin dạng hít, thì ích lợi của chúng đều rất rõ. Gần như mọi loại thuốc viên đều có thể được vận chuyển và bảo quản dễ dàng, đồng thời dễ đào tạo nhân viên y tế về cách dùng. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp bệnh nhân có thể tự sử dụng tại nhà mà không phải hướng dẫn nhiều, hay cần đến các vật dụng cơ bản như ống tiêm.