Chạy đua kinh doanh ngoại hối

Theo Bảo Tùng/saigondautu.com.vn

Hoạt động kinh doanh ngoại hối trước nay là thế mạnh của các NH có vốn nước ngoài và NHTM có vốn nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Còn tại các NHTMCP, hoạt động này đóng góp khá khiêm tốn vào lợi nhuận của NH. Nhưng gần đây các NHTMCP cũng mong muốn góp mặt và đẩy mạnh nguồn thu từ mảng này để thay đổi cơ cấu đóng góp lợi nhuận.
Nơi lãi cao, nơi lỗ lớn
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của HSBC Việt Nam công bố vào tháng 4-2017, trong tổng lợi nhuận sau thuế 1.440,9 tỷ đồng (tăng 54% so với năm 2015), hoạt động kinh doanh ngoại hối đã đóng góp một khoản rất đáng kể. Cụ thể, cả năm 2016 NH này lãi 754 tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng 66% so với mức 454 tỷ đồng đạt được năm 2015.
Những năm trước đó, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của HSBC Việt Nam cũng ở mức 430-550 tỷ đồng. Đây cũng là mảng kinh doanh thu về lợi nhuận lớn thứ 2 trong số các hoạt động của HSBC Việt Nam. Kinh doanh ngoại hối cũng là mảng đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng lợi nhuận của ANZ trong năm 2016.
Cụ thể, năm 2015, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối chỉ hơn 81 tỷ đồng, nhưng đến năm 2016 đã tăng gấp 3 lần, đạt 252 tỷ đồng, gồm 142 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối theo tỷ giá giao ngay và 110 tỷ đồng từ các hợp đồng phái sinh. 
Nhìn chung, mảng kinh doanh ngoại hối chỉ mạnh ở các NHTM có vốn nhà nước. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III-2017, Vietcombank ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối ở mức 645,4 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết quý III, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của NH này đạt hơn 1.710 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2016. Tại BIDV, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối 9 tháng đạt 513 tỷ đồng, trong đó, riêng quý III lãi 209,6 tỷ đồng.
VietinBank cũng có lãi khá tốt từ mảng này với 517 tỷ đồng trong 9 tháng qua. Tại các NHTMCP, một số NH cũng có lãi khá từ mảng này. Cụ thể trong 3 quý của năm 2017, ACB ghi nhận mức lãi 179,5 tỷ đồng, tăng 19,33%, Eximbank lãi 203 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2017, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Techcombank đạt 203,4 tỷ đồng, đây là một diễn biến khả quan vì cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 161,4 tỷ đồng và trước đó vào năm 2015 ghi nhận mức lỗ 1,85 tỷ đồng. 
Nhưng bên cạnh cũng có không ít NH ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh ngoại hối kém khả quan như VIB lỗ 34,3 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, Kienlongbank lỗ 537 tỷ đồng trong quý III-2017 nên lũy kế 9 tháng, hoạt động này chỉ mang lại lãi 2,7 tỷ đồng hay NCB lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối 21,7 tỷ đồng trong 9 tháng, trong đó riêng quý III lỗ 14 tỷ đồng, năm ngoái NH này cũng lỗ 42,1 tỷ đồng.

Vẫn hấp dẫn ngân hàng
Có thể nói, hoạt động kinh doanh ngoại hối là một mảng nhiều rủi ro. Song điều đó không có nghĩa các NH sẽ bỏ qua. Bởi hiện nay, nhu cầu chi tiêu ngoại tệ cho các hoạt động du lịch, du học, định cư, khám chữa bệnh tại nước ngoài của người dân ngày càng gia tăng. Theo thống kê đưa ra gần đây, mỗi năm người Việt chi khoảng 7-8 tỷ USD cho du lịch, 3 tỷ USD để du học, 2 tỷ USD cho khám chữa bệnh tại nước ngoài…
Kèm theo là sự thay đổi thói quen giao dịch, thay vì mua bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen, người dân cũng đang dần có xu hướng chuyển sang mua bán ngoại tệ tại các NHTM. Đáp lại xu hướng này, nhiều NH cũng triển khai khuyến mại tặng quà, tặng tiền cho khách hàng thực hiện giao dịch ngoại tệ với NH, đưa ra hình thức giao dịch tiện lợi như đăng ký mua ngoại tệ trực tuyến…
Bên cạnh đó, nhu cầu chốt trước tỷ giá cho nguồn thu hoặc khoản vay ngoại tệ của doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua bảo hiểm tỷ giá cũng ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây cũng là hoạt động mang lại lợi nhuận tốt cho các NH. Theo đó, khi tham gia mảng này, với nghiệp vụ tốt, các NHTM sẽ hưởng mức chênh lệch tỷ giá khi mua bán các sản phẩm phái sinh đáng kể.
Thực tế, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng báo hiệu sẽ trở nên sôi động khi từ cuối tháng 10 đến nay, NHNN đã ban hành một loạt quyết định sửa đổi nội dung “kinh doanh, cung ứng dịch vụ hoạt động ngoại hối và sản phẩm phái sinh về tỷ giá, lãi suất, ngoại hối, tiền tệ và sản phẩm tài chính khác theo văn bản chấp thuận của NHNN và quy định của pháp luật” ghi trong giấy phép thành lập và hoạt động đã cấp cho các NH thành “kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế trong phạm vi do NHNN quy định”.
Danh sách các NHTM được NHNN cấp phép bổ sung hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối lần này ngoài các NH lớn còn có nhiều NHTMCP tầm trung và nhỏ như OCB, Saigonbank, BacABank, Maritime Bank, NamABank, TPBank, KienlongBank, PGBank.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng ở Việt Nam gắn liền với nợ xấu nên NH phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, dẫn đến lợi nhuận cuối cùng của các NH không cao. Ngược lại, cơ cấu kinh doanh của NH nước ngoài phụ thuộc vào dịch vụ. Mảng dịch vụ chiếm trên 70% lợi nhuận, doanh thu làm ra chỉ trừ những chi phí liên quan và không phải trích lập dự phòng nên tạo ra một nguồn thu bền vững.
Do đó, trong cùng môi trường kinh doanh, NH nước ngoài cũng chịu tác động giống như NH trong nước nhưng áp lực của NH ngoại thấp hơn và kết quả kinh doanh của các NH nước ngoài vẫn luôn khả quan hơn NH Việt Nam. Để tăng thu dịch vụ, vài năm gần đây, các NH đã đẩy mạnh mảng bán lẻ và dịch vụ nhưng mức đóng góp của dịch vụ vẫn chưa có sự cải thiện lớn nên việc mở rộng các dịch vụ NH bao gồm cả hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng là giải pháp để NH nội rút ngắn khoảng cách trong mảng dịch vụ với các NH ngoại.