Khi ngân hàng ngừng cho vay ngoại tệ
Theo quy định thì các ngân hàng sẽ ngừng cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu vào cuối năm nay. Liệu việc này sẽ ảnh hưởng đáng kể lên lợi nhuận của các ngân hàng trong giai đoạn tới?
Lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Vietcombank hơn 8,5 nghìn tỷ đồng và chỉ mới 9 tháng đầu năm nay đã hơn 7,9 nghìn tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch năm và hiện đang dẫn đầu hệ thống ngân hàng về chỉ tiêu này. Theo dự báo thì lợi nhuận trong năm nay của Vietcombank có thể đạt 11 nghìn tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay. Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đạt 16,3% đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của ngân hàng này.
Đáng lưu ý là dư nợ tín dụng ngoại tệ của Vietcombank cũng tăng 10% so với đầu năm nay và hiện đang chiếm tỷ trọng 17% trong tổng dư nợ. Trong khi đó, tiền gửi ngoại tệ của ngân hàng này cũng tăng mạnh đến 16,3% so với đầu năm nay. Với lãi suất huy động đầu vào tiền gửi ngoại tệ hiện đã giảm về 0% từ cuối năm 2015, trong khi lãi suất cho vay hiện đang ở mức 4 - 5%, thì rõ ràng biên độ lãi suất cho vay ngoại tệ thật sự béo bở.
Vietcombank chỉ là một trong số các ngân hàng đã hưởng lợi rất nhiều khi tận dụng được biên độ lãi suất đầu ra đầu vào ở ngoại tệ lớn như thế trong thời gian qua, đặc biệt là khi tăng trưởng tín dụng trong năm nay đã hồi phục mạnh mẽ so với cùng kỳ 2016. Số liệu cập nhật mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy tăng trưởng tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đến cuối tháng 10 là 13,5% so với đầu năm, thì tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của toàn ngành đã là 11,5%, trong khi cùng kỳ 2016 chỉ tăng vỏn vẹn 4,4%.
Phân tích lợi - hại
Thực tế trong bối cảnh chênh lệch lãi suất cho vay ngoại tệ và VND vẫn duy trì ở mức khá cao, từ 3 - 4% như hiện nay thì các doanh nghiệp nếu đủ điều kiện vay ngoại tệ đều lựa chọn kênh vay ngoại tệ để tiết giảm chi phí tài chính.
Hiện nay, theo quy định của Thông tư số 43/2014/TT-NHNN ban hành ngày 25/12/2015 thì chỉ có các doanh nghiệp có 4 nhu cầu vay vốn sau là được phép vay ngọại tệ: doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp xuất khẩu có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay và doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Theo quy định của Thông tư 31/2016/TT-NHNN thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không còn được phép vay ngoại tệ nữa kể từ đầu năm sau, đồng nghĩa với việc đối tượng vay ngoại tệ sẽ thu hẹp chỉ còn 3 nhóm.
Dư nợ tín dụng ngoại tệ hiện nay chiếm chưa tới 10% trong tổng dư nợ tín dụng, và cũng không rõ dư nợ của nhóm ngoại tệ xuất khẩu cụ thể là bao nhiêu trong con số 10% này. Tuy nhiên sau nhiều lần Ngân hàng Nhà nước phải gia hạn việc cho vay ngoại tệ cho đối tượng này cho thấy việc chấm dứt hoạt động này không phải là điều đơn giản.
Với tiền đồng thực tế vẫn bị định giá cao, trong khi lãi suất vay VND cũng ở mức cao so với các quốc gia khác thì rõ ràng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không có nhiều lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hóa, do đó nhà điều hành buộc phải duy trì kênh cho vay ngoại tệ như một hình thức hỗ trợ nhóm doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, một bộ phận trong nhóm doanh nghiệp xuất khẩu dù không có nhu cầu vay ngoại tệ nhưng do có nguồn thu từ ngoại tệ nên vẫn đủ điều kiện vay ngoại tệ và từ đó tích cực vay rồi chuyển sang VND đem gửi lại ngân hàng với lãi suất cao hơn để kiếm lợi, như một hình thức kinh doanh chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền. Điều này góp phần ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường ngoại hối nói riêng và việc quản lý tiền tệ của nhà điều hành nói chung trong thời gian qua.
Chính vì vậy, việc chấm dứt dần việc vay gửi ngoại tệ và chuyển dịch sang mua bán đứt đoạn là một chính sách đúng đắn cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là khi lãi suất VND thời gian qua đã ổn định và ngày càng tiến về mức phù hợp hơn.
Điều kiện quan trọng là mức lãi suất này cần phải được quản lý, kiểm soát tốt và có thể tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới, theo như định hướng đưa về mức 5% theo Đề án Tái tái cơ cấu nền kinh tế đến 2020, thì khi đó các doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận vay VND mà không cần phải cậy nhờ vào việc vay ngoại tệ nữa.
Lợi nhuận ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng?
Các ngân hàng sẽ mất đi một kênh sinh lợi đáng kể khi hoạt động cho vay ngoại tệ dần chấm dứt. Tuy nhiên, với những ngân hàng có lượng tiền gửi ngoại tệ lớn như Vietcombank và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ nhóm khách hàng cá nhân, cộng thêm tiềm lực tài chính ngày càng lớn mạnh với nguồn vốn tự có lớn do đó đủ đáp ứng trạng thái ngoại hối theo quy định, thì các ngân hàng này vẫn có thể chuyển dịch tiền gửi ngoại tệ sang VND và cho vay, khi đó biên độ lãi suất còn cao hơn nhiều khi cho vay ngoại tệ.
Hãy tưởng tượng với chi phí vốn huy động ngoại tệ là 0%, trong khi lãi suất cho vay ra ở VND nếu ở mức thấp cũng từ 5 - 6%, thì rõ ràng biên độ lãi suất khi chuyển dịch tiền gửi ngoại tệ sang VND để cho vay còn "béo bở" hơn nhiều. Rủi ro lớn nhất mà các ngân hàng có thể gặp phải ở hoạt động này là rủi ro tỷ giá.
Tuy nhiên với khả năng, kinh nghiệm quản trị rủi ro tốt thì các ngân hàng có thể hạn chế rủi ro và thiệt hại nếu thị trường ngoại hối có những thời điểm biến động. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy khi tỷ giá căng thẳng và giao dịch mạnh lại trở thành cơ hội để các ngân hàng kiếm lợi nhuận đáng kể từ kinh doanh ngoại hối.