Chạy nước rút hoàn thiện thủ tục cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Theo Ẩn Liên/ Báo Hậu Giang

Với quyết tâm cao - nỗ lực lớn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là đến ngày 30/6 này phải được phê duyệt dự án.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương tập trung rà soát các mỏ vật liệu xây dựng và bãi thải, tuyệt đối không để bị động. Ảnh: Ẩn Liên
Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương tập trung rà soát các mỏ vật liệu xây dựng và bãi thải, tuyệt đối không để bị động. Ảnh: Ẩn Liên

Gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km). Tổng chiều dài toàn dự án khoảng 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của 6 dự án thành phần đi qua 2 tỉnh, thành phố. Đến ngày 15/6, đối với 6 dự án thành phần không phải lập khung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án lấy ý kiến của UBND các tỉnh về Phương án tổng thể GPMB. Đến nay, 4/6 tỉnh đã có văn bản trả lời. 12/12 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB; thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng GPMB để triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm…

Có 8/12 dự án thành phần đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường. UBMTTQ Việt Nam 12 tỉnh đã có ý kiến về công tác giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định tại Luật Đầu tư công. Các đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư và các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt trong tháng 6/2022.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự án đang được gấp rút triển khai với một khối lượng công việc rất lớn. Nhiều nội dung quan trọng, phức tạp rất cần sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành và địa phương. Đơn cử như về báo cáo đánh giá tác động môi trường, vẫn còn 4 dự án thành phần chưa phê duyệt. Chưa hoàn thành việc thỏa thuận mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải, giá vật liệu xây dựng đến chân công trình ở một số địa phương.

Thời gian qua, các địa phương đã tích cực khảo sát, điều tra, đo đạc, kê khai, kiểm đếm, trích lục bản đồ sử dụng đất, xác định nguồn gốc đất; rà soát, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý liên quan đến lựa chọn tư vấn và triển khai công tác giải phóng mặt bằng chỉ được hoàn tất sau khi dự án được phê duyệt. Một khó khăn được nêu ra là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có hướng dẫn đối với gói thầu xây lắp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, do đó cần sớm ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục, quy mô, giá trị gói thầu, tiêu chuẩn đánh giá, quy trình thẩm định, quyết định chỉ định thầu.

Phải đảm bảo tiến độ phê duyệt dự án

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tới thời điểm này hồ sơ dự án đã hoàn tất khoảng 95%. Bàn giao ranh mốc GPMB cho các địa phương trên 92% tổng chiều dài tuyến, đề nghị các tỉnh tập trung kiểm đếm, thực hiện công tác GPMB. Đồng thời, đề nghị các tỉnh rà soát kỹ về mỏ vật liệu xây dựng để đảm bảo cho tiến trình thi công. Đến ngày 30-6, khi dự án được phê duyệt phải kèm theo hồ sơ về mỏ vật liệu xây dựng và bãi thải, tuyệt đối không để bị động.

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 4 dự án thành phần còn lại. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Hội đồng đền bù, GPMB các quận, huyện triển khai lập kế hoạch sử dụng đất, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, phê duyệt phương án GPMB; lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư…, trong phạm vi đã được bàn giao, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

Về công tác chỉ định thầu, đề nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Xây dựng, sớm có ý kiến để Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục, quy mô, giá trị gói thầu, tiêu chuẩn đánh giá, quy trình thẩm định, quyết định chỉ định thầu các gói thầu xây lắp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-6-2022 làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 với chiều dài 729km được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường tháng 1/2022. Toàn bộ 729km sẽ khởi công vào năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài là 2.063km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định đây là công trình trọng điểm Quốc gia, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, là mong mỏi của Nhân dân cả nước. Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành họp giao ban hàng tháng với các địa phương để đồng hành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và giải quyết có hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc lại các mốc thời gian “đến ngày 30/6 phải phê duyệt dự án, cuối năm nay phải khởi công 12 dự án thành phần và phải bàn giao ít nhất 70% mặt bằng”. Đây là dự án trọng điểm Quốc gia, nếu đến ngày 30/6 không phê duyệt được dự án, Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu và bám sát tiến độ quy định trong Nghị quyết 18 của Chính phủ “phải thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực”. Các địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật, các trình tự thủ tục trong việc xác định giá đất.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 18, xác định Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia phải được hoàn thành và cần ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.