Chạy nước rút lấy lại “thẻ xanh”

Theo Thái Hà/saigondautu.com.vn

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đề xuất với Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Tổng cục Thủy sản một số hoạt động triển khai gấp rút, để khắc phục thẻ vàng do chưa đáp ứng được các yêu cầu về vấn đề kiểm soát đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cụ thể, VASEP đề xuất Tổng cục Thủy sản chủ trì phối hợp với VASEP tổ chức hội nghị đánh giá giữa kỳ về triển khai các nhiệm vụ, hoạt động khắc phục thẻ vàng, nhằm đánh giá những tồn tại, bất cập để kịp thời chỉ đạo các phương án tiếp theo. VASEP cũng đề xuất đại diện Ban điều hành của VASEP được tham gia đoàn công tác của Bộ NN-PTNT sang làm việc về IUU và thẻ vàng với EU và Hàn Quốc. Đồng thời, yêu cầu được chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý đối với các yêu cầu xác minh giấy chứng nhận khai thác (c/c) IUU của EU.
Trước đó, các DN hải sản trong Chương trình cam kết chống khai thác IUU của VASEP đã đồng loạt treo bản cam kết (tại cổng nhà máy) chống khai thác IUU, cam kết không thu mua, chế biến và xuất khẩu từ nguyên liệu hải sản có nguồn gốc khai thác IUU.
Ngoài ra, VASEP đề xuất Bộ NN-PTNT có văn bản chỉ đạo xuống các tỉnh, thành và Tổng cục Thủy sản về hoạt động tuyên truyền, truyền thông chống khai thác IUU.
Đây có thể xem như giai đoạn nước rút trước khi EU chính thức đánh giá kết quả triển khai và khắc phục chống khai thác IUU của Việt Nam vào tháng 4 tới. Những động thái của các DN cũng như phía VASEP đang cho thấy những nỗ lực rất lớn để có thể lấy lại “thẻ xanh” của Việt Nam.
Bởi nếu EU thấy những việc được triển khai ở Việt Nam không hiệu quả họ có thể phạt “thẻ đỏ”, khi đó toàn bộ hải sản được khai thác, chế biến ở Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu sang EU. Trên thực tế, cũng có những quốc gia từng bị EU phạt thẻ vàng và bằng những nỗ lực không ngừng đã lấy lại được thẻ xanh. Chính vì thế Việt Nam có thể tin tưởng nếu làm hết sức, cùng đồng lòng cơ hội nhận lại thẻ xanh không quá khó. 
Song sự việc lần này không chỉ là một cảnh báo cho riêng ngành hải sản của Việt Nam, mà còn cho nhiều ngành xuất khẩu khác phải chú ý đến tính hợp pháp của nguyên liệu sản xuất. Vì hầu hết các nước nhập khẩu ngày càng quan tâm đến tính hợp pháp cũng như tính bền vững khi sử dụng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Đừng để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”, vì khi đó sẽ rất khó để cứu vãn tình hình và xây dựng lại hình ảnh cho các sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.