Chế độ công tác phí mới đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng
Vấn đề thanh toán tiền chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú đối với quân nhân, công nhân, viên chức, công chức quốc phòng đang hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đã được làm rõ tại Thông tư 259/2017/TT-BQP ngày 17/10/2017 do Bộ Quốc phòng ban hành.
Thông tư 259/2017/TT-BQP quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 02/12/2017. Trong đó nêu rõ, khi đi công tác bằng phương tiện vận tải thông thường (đường bộ, đường sắt, đường thủy), quân nhân, công nhân, viên chức, công chức quốc phòng được thanh toán cước, phí theo giá quy định khi đi từ nhà hoặc cơ quan đến nơi công tác bằng phương tiện vận tải thông thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật.
Cước qua đò, phà cho bản thân và phương tiện của người đi công tác; phí sử dụng đường bộ và cước phí tài liệu, vật dụng phục vụ công tác mà người đi công tác chi trả cũng được thanh toán. Mức thanh toán theo giá ghi trên vé, hóa đơn mua vé, hợp đồng thuê phương tiện hoặc giấy biên nhận của chủ phương tiện (giá vé không bao gồm các chi phí dịch vụ khác như: Tham quan du lịch, tiền ăn, các dịch vụ theo yêu cầu).
Trường hợp người đi công tác bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị (ô tô, mô tô, tàu thủy, máy bay quân sự và phương tiện khác), phương tiện do đơn vị thuê hoặc do đơn vị nơi cán bộ đến công tác bố trí thì không được thanh toán tiền tàu, xe.
Nếu đi công tác bằng phương tiện máy bay trong nước, hạng ghế thương gia (Business class hoặc C class) dành cho cán bộ lãnh đạo đang hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo có hệ số từ 1,3 trở lên; Phó Tổng Tham mưu trưởng; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
Hạng ghế thường (dành cho các đối tượng còn lại) do chỉ huy đơn vị căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ công tác, xem xét, quyết định cho cán bộ đi công tác bằng phương tiện máy bay bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm trong phạm vi ngân sách được giao.
Người đi công tác được thanh toán tiền vé máy bay; tiền cước phương tiện vận tải thông thường từ nơi xuất phát đến sân bay và ngược lại (nếu cơ quan, đơn vị không bố trí được xe đưa, đón); tiền cước phí hành lý, tài liệu, vật dụng phục vụ cho công tác (nếu có).
Người được cử đi công tác trong trường hợp phải tự túc phương tiện (kể cả đi bộ) cách trụ sở cơ quan từ 10 km trở lên (đối với các xã, khu vực thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và từ 15 km trở lên (đối với các xã, khu vực còn lại) thì được thanh toán tiền tàu xe theo giá cước ô tô vận tải hành khách công cộng thông thường tại địa phương cho quãng đường thực đi. Trường hợp đặc biệt, không có phương tiện vận tải hành khách công cộng thông thường thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện bằng 3.500 đồng/km thực đi.
Bên cạnh các quy định về thanh toán tiền chi phí đi lại, Thông tư 259/2017/TT-BQP cũng quy định các mức phụ cấp lưu trú công tác cho các quân nhân, công nhân, viên chức, công chức quốc phòng. Theo đó, một số khoản phụ cấp lưu trú đã được điều chỉnh theo hướng tăng so với quy định hiện hành. Cụ thế: Mức 200.000 đồng/ngày áp dụng đối với thời gian đi đường từ 5 giờ/ngày trở lên hoặc từ 150 km/ngày trở lên đối với khu vực miền núi và 300 km/ngày trở lên đối với khu vực còn lại (tăng 50.000 đồng/ngày).
Mức 100.000 đồng/ngày đối với thời gian lưu trú tại cơ quan, đơn vị nơi đến công tác (tăng 50.000 đồng/ngày). Trường hợp được cử đi công tác từ đất liền làm nhiệm vụ trên biển, đảo được thanh toán phụ cấp lưu trú là 250.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (tăng 100.000 đồng/ngày).